Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm nhiều trải nghiệm thú vị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tour du lịch độc đáo ra đời từ lối tư duy ngược của các nhà nghiên cứu thuộc Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) thời gian gần đây đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho những người ưa khám phá.

Lâu nay, Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng du lịch, nhưng so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, sản phẩm du lịch lại nghèo nàn, thiếu tính đa dạng, độc đáo. Như nhận định của các chuyên gia, đó là bởi du lịch Việt chưa đầu tư xứng đáng để xây dựng sản phẩm độc đáo. Và STDe từ khi ra đời đã đầu tư trọng điểm để tìm ra cách giải quyết các thách thức lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay như: Cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu... STDe đã công bố 15 bộ sản phẩm du lịch mang “tư duy đột phá”, được dư luận đánh giá cao về tính sáng tạo.
Cột cờ Lũng Cú - một điểm du lịch hấp dẫn.
Cột cờ Lũng Cú - một điểm du lịch hấp dẫn.
Trong số 15 sản phẩm này phải kể đến 2 sản phẩm cho du lịch Hà Nội. Đó là dự án “Sản phẩm du lịch từ rơm Đường Lâm”, giúp người dân làng cổ giảm thiểu việc đốt rơm gây ô nhiễm môi trường và khai thác hiệu quả hơn giá trị của cánh đồng. Và tour du lịch “Làng Vũ Đại ngày ấy...” - mô hình du lịch văn học đầu tiên tại Việt Nam: Không chỉ giúp du khách ngược về quá khứ của không gian làng quê Việt Nam xưa với các nhân vật và sự kiện trong tác phẩm văn học của Nam Cao như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến…; một số đặc sản của địa phương (cá kho, chuối ngự, hồng không hạt…) hay các sản phẩm dệt may cũng có thêm cơ hội phát triển và đem lại nguồn thu cho người dân xã Hòa Hậu.

Ngoài ra, còn có thể kể đến dự án “Sản phẩm du lịch từ gió Bạc Liêu” đã tạo nguồn thu từ việc khai thác “cánh đồng điện gió Bạc Liêu”. Còn “Mô hình khách sạn bóng đêm” cũng được tặng giải thưởng Cống hiến của cuộc thi “Ý tưởng kinh tế xanh 2011” và đã ký được hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 3 DN tại Hội chợ Techmart quốc tế 2013.

Giữa tuần trước, STDe lại công bố bộ sản phẩm: Tour “Con đường hạnh phúc” - đường dẫn đến “Trái tim của đá” nhằm đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới lạ nhờ khai thác các giá trị của các sa mạc đá Hà Giang. Với bộ 3 sản phẩm STDe đề xuất, du khách không chỉ được tham quan các thắng cảnh đá kỳ vĩ như đèo Cán Tỷ, đèo Mậu Duệ, cột cờ Lũng Cú…, mà còn được ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật trên cánh đồng ngô; ngủ đêm và trải nghiệm trong các ngôi nhà làm bằng vật liệu ngô; thưởng thức các món ăn từ hoa tam giác mạch… Những sản phẩm du lịch khác biệt: ăn cùng với đá, chơi, ngủ cùng đá… được TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh – Chủ tịch STDe đưa ra, thực sự thuyết phục các DN lữ hành. Ông Nguyễn Bá Toàn - Giám đốc Công ty du lịch Khát vọng Việt khẳng định sẽ cùng với STDe đưa tour “Con đường hạnh phúc” vào thực tế. “Nếu như trước đây, du khách chỉ đến Hà Giang vì hoa tam giác mạch và những cung đường hùng vĩ thì nay, du khách có thể trải nghiệm những giá trị nhân văn, địa chất, nghệ thuật… của Hà Giang. Tôi cho rằng, đây sẽ là những giá trị phát triển du lịch bền vững” - ông Toàn bày tỏ.

Tuy nhiên, đúng như đại diện một hãng lữ hành khác chia sẻ, không phải bộ sản phẩm du lịch nào của STDe cũng có thể hiện thực hóa. Ví như ý tưởng “biến họa thành phúc” với dự án “Phát triển sản phẩm du lịch từ mưa, bão, lụt tại miền Trung Việt Nam” không đảm bảo về tính an toàn cũng như hiệu quả kinh tế nên các DN không mặn mà. Nhưng, phải khẳng định, 15 dự án của STDe công bố trong thời gian qua có tính sáng tạo rất cao, sự độc đáo, khác lạ hoàn toàn không thể phủ nhận. Tất cả đã và đang góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đặc trưng của các địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung. Song, những ý tưởng này khi công bố mới chỉ kích thích trí tò mò của du khách. Muốn chúng trở thành sản phẩm thực sự ấn tượng thì cần những cái bắt tay của các nhà quản lý và DN du lịch.