Series "Ký sự biển đảo" do anh đạo diễn, đang được phát sóng trên VTV, đã lấy của anh bao nhiêu thời gian?
- Sau thành công của 25 tập phim "Ký sự biên phòng", Bộ Tư lệnh Biên phòng có ý tưởng làm tiếp series phim "Ký sự biển đảo". Báo Biên phòng và Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp sản xuất 35 tập phim "Ký sự biển đảo" trong vòng hai năm. Phim được quay tại nhiều vùng biển, đảo của Tổ quốc, trải dài từ Bắc tới Nam.
Từ những đảo lớn nhất nhì là Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo cho đến quần đảo xa bờ nhất là Trường Sa… Phim đề cập đến nhiều vấn đề: Vị trí địa lý của các vùng biển, các hòn đảo; tìm hiểu đời sống của những cư dân trên mặt biển, nhất là ngư dân, cùng nhiều ngành nghề khác; những lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo như hải quân, biên phòng, cảnh sát biển… Chúng tôi luôn đặt sự chân thật lên hàng đầu.
Cách làm phim ký sự cho phép người làm phim được tiếp cận nhiều vấn đề một cách bình dị, dân dã nhất.
Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp cùng đoàn làm phim.
Hai năm tìm hiểu, lăn lộn với biển đảo, anh cảm nhận thế nào về cuộc sống, con người của vùng ấy?
- Ý tưởng của chúng tôi là tìm gặp những người con thuở xa xưa đã theo cha Lạc Long Quân xuống sinh sống làm ăn ở tất cả các vùng biển, quần đảo. Điều ấy chứng tỏ từ thuở hồng hoang, tổ tiên đã ý thức đất nước mình là một quốc gia biển để làm chủ biển cả.
Tôi thấy người dân vùng biển sống một cuộc sống đầy mạnh mẽ, quen sóng to gió cả nên sống khảng khái, phóng khoáng và hào sảng hơn. Nếu thuở trước, ngư dân thường xa khơi đánh bắt tôm cá, thì ngày nay họ còn biết nuôi trồng thủy hải sản để thay đổi cuộc sống. Trên biển bây giờ còn có rất nhiều nghề khác như: du lịch, dầu khí, nghiên cứu biển, gác Hải đăng, còn có những người lính hải quân, biên phòng, không quân…
Mỗi nơi đi qua, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện có ý nghĩa của những con người đầy bản lĩnh, can trường trước sóng gió biển khơi.
Suốt hành trình làm phim, điều gì khiến anh ấn tượng và xúc động nhất?
- Ấn tượng lớn nhất trong tôi là chuyến ra Trường Sa, một chuyến đi đầy cảm động. Ra Trường Sa mới biết cuộc sống nơi đây cũng bình yên hạnh phúc như trong đất liền. Đến Trường Sa Lớn, thủ phủ của huyện đảo Trường Sa, chúng tôi ngỡ ngàng và bất ngờ.
Ở đó cũng có khách sạn Thủ đô, có nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài Liệt sĩ, có chùa, trạm y tế, ngọn Hải đăng… tất cả là một cuộc sống đầy đủ. Ngạc nhiên nhất là tất cả các đảo của Trường Sa đều có điện gió, đồng nghĩa với một đời sống văn minh, hiện đại.
Ngoài đó, cũng có điện thoại, tivi. Tôi vẫn nhớ cảnh ngồi xem tivi và biết ở Hà Nội đang nắng to, vì vậy tôi không còn cảm giác ở một nơi xa xôi nữa.
Làm phim ký sự đòi hỏi sự chân thật, hẳn đoàn làm phim đã gặp không ít khó khăn?
- Đúng vậy đấy! Ở biển có ngày nắng, ngày mưa, ngày biển động, ngày biển lặng… nên có hôm đoàn quay được nhiều cảnh đẹp, nhưng cũng có hôm không quay được gì. Tôi nhớ mãi chuyến ra huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cả đoàn nôn thốc, nôn tháo vì say sóng.
Thế mới biết không phải người nào cũng đi biển được, nhất là người quen sống ở phố. Nói đến chuyện say sóng tôi nhớ mãi lần gặp một cư dân của Phú Quốc. Ông ra đảo từ nhỏ, sống với biển khơi, nhưng cả đời không dám bước chân lên thuyền, vì sợ say đành làm nghề đi rừng trên đảo.
Đoàn chúng tôi cũng đã gặp những trận bão, cả những cơn gió mùa, những ngọn sóng ngầm của biển, chúng rất khủng khiếp.
Anh và êkíp thực hiện gửi gắm điều gì trong series phim "Ký sự biển đảo"?
- Khi làm loạt phim này, chúng tôi được gặp các nhà hải dương học. Các vị nói, đất nước ta có mặt biển rộng chiếm ¾ diện tích cả nước, có đường bờ biển dài hơn 3.260km, với gần 4.000 hòn đảo, được coi là một quốc gia có chỉ số biển rất lớn, rất thuận lợi cho phát triển. Các cường quốc trên thế giới đều là các quốc gia biển. Vậy vì sao đất nước mình mãi chưa ra được biển lớn? Đấy cũng là trăn trở của chúng tôi trên hành trình ra biển đến đảo, tìm gặp những người con của Lạc Long Quân, cũng là điều gửi gắm trong series phim này.
Xin cảm ơn anh!