Sau thời gian thi hành, NĐ 59 được đánh giá là cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện công tác quản lý Nhà nước về theo dõi THPL, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình THPL trong việc quản lý Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, NĐ 59 đang tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Theo đó, NĐ 59 chưa có quy định về trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình THPL hàng năm của Bộ Tư pháp, của các bộ, ngành và địa phương; chưa quy định về hoạt động kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về theo dõi THPL. Trong khi đó, công tác xây dựng, ban hành kế hoạch cũng như công tác kiểm tra là hoạt động rất quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, Điều 12 về kiểm tra tình hình THPL chưa quy định cụ thể thời hạn, trách nhiệm xử lý kết quả kiểm tra của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Vì vậy, dẫn đến tình trạng coi nhẹ việc thực hiện kết luận kiểm tra của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền làm giảm hiệu quả, hiệu lực của công tác này.
Đoàn giám sát về hoạt động bổ trợ tư pháp do Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam làm Trưởng đoàn trong buổi làm việc với UBND quận Long Biên. Ảnh: Linh Nguyễn |
Mặt khác, kết quả huy động sự tham gia của Nhân dân, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong công tác theo dõi tình hình THPL không thể tiến hành sâu rộng. Đặc biệt, chưa phát huy được sự tham gia đầy đủ, có trách nhiệm và phản biện từ chính cộng đồng xã hội trong quá trình tổ chức THPL. Tại khoản 3 Điều 6 có quy định về cơ chế cộng tác viên theo dõi THPL. Tuy nhiên lại không có quy định cụ thể về tiêu chuẩn để được làm cộng tác viên, trách nhiệm, định mức về thù lao, công tác phí cho cộng tác viên và hình thức, tổ chức cộng tác viên hoạt động nên khó khăn triển khai thực hiện trên thực tế.Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 59 bổ sung điều khoản quy định về hoạt động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình THPL; bổ sung điều khoản quy định về kiểm tra hoạt động quản lý Nhà nước về theo dõi tình hình THPL. Đây là hoạt động thường xuyên, cần thiết và quan trọng của các bộ, ngành và địa phương để nâng cao năng lực thực thi và hiệu quả THPL về theo dõi THPL. Theo Sở Tư pháp TP Hà Nội, sửa đổi quy định về kiểm tra nhưng cần gắn kết với vấn đề xử lý, nhất là biện pháp xử lý theo thẩm quyền, trách nhiệm xử lý các kết quả liên quan đến công tác theo dõi tình hình THPL. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc xử lý sau kiểm tra, dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra phải có báo cáo bằng văn bản đến cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại và xử lý hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra. Cùng với đó, dự thảo bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc bảo đảm quyền tham gia hoạt động theo dõi THPL của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.