Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Động lực và áp lực

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Dù không tạo được sức lan tỏa đặc biệt với dư luận, nhưng sự kiện Đại hội thể thao bãi biển châu Á đang diễn ra tại Đà Nẵng đã khiến nhiều người “sốc” bởi thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam gần như chắc chắn sẽ đứng đầu trên bảng tổng sắp huy chương.
Trước ngày bế mạc, Việt Nam đã có hơn 40 HCV, bỏ xa các đoàn xếp sau. Hiện, Thái Lan là đoàn thể thao đang đứng ở vị trí thứ hai nhưng kém Việt Nam cả chục HCV, nên thành tích chung cuộc khó có thay đổi trong ngày bế mạc.
Được biết, tại Đại hội lần này, với tư cách chủ nhà, thể thao Việt Nam ban đầu chỉ đặt mục tiêu lọt vào top 5 chung cuộc. Nhưng đến khi giải đấu diễn ra, các VĐV Việt Nam liên tục ẵm vàng, qua đó giúp đoàn thể thao chủ nhà lần lượt qua mặt các ông lớn của thể thao châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và các nước Trung Á để trở thành người dẫn đầu cuộc đua.
Thành công của Đoàn thể thao Việt Nam trong lần đầu tiên đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á đang được đón nhận với sự ngỡ ngàng xen lẫn hồ hởi. Cũng đúng thôi, với một nền thể thao vốn lâu nay thường đặt mục tiêu hội nhập với sân chơi châu lục thì việc trở thành cường quốc thể thao khiến nhiều người không khỏi giật mình khi nhìn vào bảng tổng sắp huy chương.
Tất nhiên, thể thao bãi biển khác rất nhiều so với ASIAD hay Olympic. Từ quy mô đến nội dung thi đấu đều có sự khác biệt. Đó là chưa kể đến việc, do là nước chủ nhà, Việt Nam có quyền đưa vào nội dung thi đấu những môn thể thao truyền thống và là thế mạnh của mình. Nhìn vào danh sách thi đấu có thể kể đến những môn thể thao vốn rất phổ cập tại Việt Nam như Vovinam, Pencat silat, Muay, Võ cổ truyền Việt Nam... Riêng môn võ cổ truyền Việt Nam có 11 nội dung thi đấu thì VĐV Việt Nam đều có mặt ở trận chung kết. Điều này khiến Đoàn thể thao Việt Nam có lợi thế rất lớn về số HCV.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Đoàn thể thao Việt Nam giành vị trí nhất chung cuộc chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên bởi các kỳ đại hội trước cũng vậy - các nước chủ nhà đều không có đối thủ trên bảng tổng sắp. Tại các kỳ đại hội trước, các đoàn chủ nhà đều giành vị trí nhất toàn đoàn do có nhiều môn thể thao mũi nhọn trong chương trình thi đấu.
Việc Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu thăng hoa là điều đáng mừng. Tuy nhiên, tổ chức một sự kiện thể thao lớn với chi phí cả ngàn tỷ đồng thì bên cạnh sự quảng bá thương hiệu cần phải tạo ra động lực cho sự phát triển chung của cả nền thể thao. Điều này có ý nghĩa hơn rất nhiều những tấm huy chương mà chỉ một lần trong lịch sử chúng ta giành được bởi lợi thế chủ nhà. Vậy nên, các nhà quản lý cần phải định hướng lại là sau Đại hội, thể thao Việt Nam có động lực và bài học kinh nghiệm nào để phát triển. Và trước mắt là làm sao để tăng số HCV ASIAD 2018 lên ít nhất là 5 chiếc so với 4 chiếc ở kỳ trước. Nếu không làm được điều này thì niềm vui về vị thế người dẫn đầu sẽ nhanh chóng qua đi, và cả nền thể thao chỉ còn lại nội buồn của vùng trũng.