Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Quẳng gánh lo đi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bóng đá Việt Nam mỗi lần đi ra nước ngoài thi đấu lại đau đầu với câu hỏi: làm sao để vô địch? Và, ngay sau câu hỏi người ta lại nghĩ đến việc, cần phải làm gì để đánh bại Thái Lan?

Hỏi vậy là bởi, các đội tuyển đã quá quen với việc ngã ở ngưỡng cửa thiên đường và chức vô địch vẫn là chuyện xưa nay hiếm.

Mới đây, ĐT U19 Việt Nam đã tham dự giải đấu quốc tế ở Myanmar theo lời mời của Liên đoàn bóng đá nước này. Đây là giải đấu tập huấn nhằm chuẩn bị cho giải U19 ĐNÁ được tổ chức tại Hà Nội tới đây. Ngay trong trận ra quân, ĐT U19 Việt Nam đã bất ngờ đánh bại U19 Thái Lan với tỷ số 1 - 0. Chiến thắng này tạo ra hiệu ứng đặc biệt trong dư luận những người yêu bóng đá. Bởi với dư luận Việt Nam, những trận đấu với Thái Lan luôn mang ý nghĩa đặc biệt. Dù là đá giao hữu nhưng mỗi trận thắng, hay thua đều tạo ra phản ứng đối với dư luận. Người ta hạnh phúc nếu thắng và tỏ rõ sự thất vọng, thậm chí bi quan về tương lai khi đội nhà thất bại, dù là ở đấu trường trẻ.
Theo dòng thể thao: Quẳng gánh lo đi - Ảnh 1
Thế nhưng, người Thái thì rất giỏi chơi chiêu và hiểu áp lực về thành tích đối các nhà quản lý bóng đá Việt Nam. Họ luôn biết cách giấu những vũ khí đắc dụng nhất trong những giải đấu giao hữu có ý nghĩa khởi đầu cho đấu trường chính. Họ chấp nhận thua ở các trận đấu khởi động và ra đòn khi bước vào trận đấu chính thức. Thường thì người Thái không tung hết lực lượng thiện chiến ở những trận đấu giao hữu. Trong khi đó, ĐT Việt Nam thường tung hết binh lực và cảm thấy tự hào khi giành chiến thắng rồi sau đó lại thua ở giải đấu quyết định.

Các giải đấu giao hữu được tổ chức nhằm giúp các cầu thủ và đội bóng chuẩn bị cho đấu trường chính thức. Việc thắng thua vì thế không quyết định nhiều đến thành công của đội bóng bởi các HLV thường coi trong việc thử nghiệm đội hình. Cũng vì điều này mà không nên đặt ra áp lực về thành tích với các nhà cầm quân, bởi họ cần phải được tôn trọng trong quá trình chuẩn bị về chuyên môn cho giải đấu.

Với riêng đấu trường trẻ như U16, U19 ĐNÁ thì càng không nên đặt vấn đề về thành tích. Việc thắng thua ở lứa trẻ không ảnh hưởng nhiều đến diện mạo của ĐTQG trong tương lai. Bằng chứng là U17, U19 Việt Nam của lứa Công Phượng, Tuấn Anh từng vùi dập Thái Lan và các đội bóng hàng đầu khu vực nhưng khi gặp lại ở ĐT U23 thì lại thua tâm phục khẩu phục. Các cầu thủ trẻ sẽ thay đổi rất nhiều theo từng năm và sân chơi ĐTQG mang một đẳng cấp khác.

Cũng vì những điều trên mà giới chuyên môn cho rằng, để có thể đánh bại Thái Lan hay bất cứ ĐT nào trong khu vực thì đòi hỏi phải có lộ trình chuẩn bị cho tương lai. Muốn thắng được các đội bóng này thì bản thân các tuyển thủ và nhà quản lý không được phép sợ họ. Hãy coi các trận đấu như một dịp thể hiện bản thân để có được sự thoải mái nhất về tâm lý. Nhưng, để có được điều căn bản này thì đòi hỏi dư luận phải xem nhẹ vấn đề thắng thua ở những sân chơi trẻ hay các giải đấu giao hữu. Bên cạnh đó, cần phải đào tạo được một đội ngũ thiện chiến, tự tin về phẩm chất cá nhân cùng một lối chơi khoa học, có bản sắc.