Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lân Trung - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hợp tác phát triển, trường Đại học Ngoại ngữ khẳng định: Hoàn toàn có thể..
Thưa ông, chúng ta có hẳn đề án dạy tiếng Anh trong CT giáo dục phổ thông nhưng kết quả thực hiện chưa như mong muốn. Liệu có cần thiết học thêm ngoại ngữ thứ 2?
- Những năm trước, tiếng Nga, Trung, Anh, Pháp được đưa vào dạy chính thức ở phổ thông, gần đây có thêm tiếng Đức và Nhật. Tùy từng địa phương, cơ sở đào tạo, học sinh được chọn học một trong 6 thứ tiếng đó. Tất nhiên, Bộ GD&ĐT phải cho thi tốt nghiệp THPT quốc gia thứ tiếng đã học như ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Anh.
Cách đây 3 - 4 năm, chúng ta đổi mới căn bản và toàn diện việc học ngoại ngữ ở phổ thông; xác định xây dựng CT ngoại ngữ mới 10 năm, từ lớp 3 - 12. Đến nay, việc triển khai SGK và CT mới tiếng Anh bước đầu thu được kết quả nhất định. Trên cơ sở đó, chúng ta tiếp tục lộ trình nhân rộng ra ngoại ngữ khác đang dạy 3 năm, 7 năm ở phổ thông. Một vài năm nữa, ngoại ngữ thứ nhất không chỉ là tiếng Anh, mà địa phương nào có nhu cầu học thứ tiếng khác, chúng ta đã sẵn sàng về CT, SGK, đội ngũ để đáp ứng. Hiện tại đang bắt đầu xây dựng CT để năm 2017, 2018 có thể bắt đầu thực hiện.
Nhưng đến bây giờ chưa có CT và SGK Nga, Trung, liệu sang năm có kịp dạy?
- Bộ GD&ĐT cho biết đang bắt đầu xây dựng khung CT cho 2 ngoại ngữ này, năm đầu tiên sẽ dạy lớp 3, chỉ khoảng 100 - 200 từ mới. Đội ngũ chuyên gia đủ sức xây dựng CT và SGK cho lớp 3 rồi làm cuốn chiếu dần đến lớp 4, 5. Hơn nữa, 5 năm qua, chúng ta đã xây dựng được lộ trình dạy ngoại ngữ thứ nhất về CT, giáo trình, đội ngũ, phương pháp dạy. Tất nhiên, mỗi thứ tiếng có đặc thù, nhưng đều là ngoại ngữ nên có thể dùng kinh nghiệm xây dựng việc dạy học tiếng Anh để áp dụng cho ngoại ngữ khác.
Tôi muốn nói, các nước đang phát triển không bao giờ có một ngoại ngữ duy nhất trong chính sách ngôn ngữ của họ. Học sinh cấp 2 được học một thứ tiếng và lên cấp 3 học thêm một ngoại ngữ nữa, thậm chí có nơi dạy cho học sinh ngoại ngữ thứ 3. Hiện nay, có đến 98% học sinh Việt Nam học tiếng Anh là bình thường. Nhưng địa phương nào sau này cần học ngoại ngữ khác thì chúng ta phải sẵn sàng. Đây là việc mà Bộ GD&ĐT đang có lộ trình để thực hiện.
Nếu năm 2017 thí điểm không thành công sẽ tạo cho học sinh vết hằn và mất thời gian để quay trở lại với ngoại ngữ ban đầu là tiếng Anh?
- Chúng ta không vội vàng, chỉ những nơi nào có nhu cầu và điều kiện mới được phép thí điểm. Còn nếu địa phương muốn nhưng Bộ GD&ĐT thấy ở đó không có nhu cầu thì chưa xem xét. Tôi không tin là hiện nay, nhiều cháu học ngoại ngữ từ mẫu giáo theo kiểu học mà chơi, chơi mà học, đến lớp 3 học tiếp mà lại không hiệu quả. Chỉ có điều chúng ta chuẩn bị như thế nào và triển khai ra sao.
Xin cảm ơn ông!