Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thí điểm tái chế phế thải xây dựng: Lợi ích kép trong quản lý đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nên phát sinh lượng phế thải xây dựng lớn thải ra môi trường.

Tuy nhiên, việc tiêu hủy loại rác này được thực hiện chủ yếu bằng hình thức chôn lấp làm tốn diện tích đất, nguy cơ gây hại cho môi trường. Đặc biệt, các bãi chôn lấp cũng đang trong tình trạng quá tải, vì vậy, tìm giải pháp tối ưu để xử lý loại rác thải này đang được TP Hà Nội hết sức quan tâm.

Áp lực 2.000 tấn phế thải xây dựng mỗi ngày

Từ năm 2010 tới nay, xử lý phế thải xây dựng luôn là vấn đề nan giải đối với TP Hà Nội. Nguyên nhân chủ yếu do trên toàn địa bàn TP chưa có bất kỳ khu xử lý nào được quy hoạch chính thống dành cho loại phế thải này. Theo thống kê, mỗi ngày các công trình xây dựng Hà Nội thải ra khoảng 2.000 tấn phế thải. Một phần trong số đó được chuyển tới 4 bãi tập kết do các đơn vị vệ sinh môi trường xã hội hóa phối hợp với các chủ sở hữu đất lập ra để chôn lấp là Vân Nội, Nguyên Khê (Đông Anh), Vĩnh Quỳnh (Thường Tín) và bãi tại huyện Đan Phượng... Tuy nhiên, hiện các bãi này đã quá tải và có thể đóng cửa vào năm 2017 và 2019. Năm 2011, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương lập 14 điểm tập kết, xử lý phế thải xây dựng, vậy nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có quỹ đất để bố trí thực hiện.

Dây chuyền nghiền phế thải vật liệu xây dựng đầu tiên được triển khai tại Hà Nội. Ảnh: Vũ Cúc

Ngoài số lượng được các đơn vị vệ sinh môi trường chở đi chôn lấp, thì hàng ngày, hàng giờ, còn một lượng lớn chất thải xây dựng do các đơn vị hoặc cá nhân không chuyên, tự phát, vận chuyển đi đổ “trộm” xuống các ao hồ hoặc bãi đất trống, thậm chí cả ở lòng lề đường, phổ biến tại các quận, huyện như Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm... Nạn đổ trộm phế thải này đang làm đau đầu chính quyền các địa phương trong việc xử lý và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến phố phường nhếch nhác mất mỹ quan, ao hồ dần... biến mất.

Công nghệ xử lý mới nhiều ưu việt

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phế thải xây dựng gây ra, TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tính toán giải pháp sử dụng máy móc nghiền chất thải xây dựng nhằm 2 mục đích tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, xử lý và tái chế tại chỗ thành vật liệu phục vụ làm đường, nhà thấp tầng...

Ngày 23/4 vừa qua, lần đầu tiên Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng & đầu tư phát triển môi trường Hà Nội áp dụng dây chuyền máy nghiền RM 70GO trên công trường thi công đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Đây là chiếc máy cho phép nghiền nhỏ phế liệu xây dựng như gạch vỡ, vôi vữa, bê tông, nhựa đường... để rút ngắn công sức, thời gian di chuyển, xử lý, thậm chí là trở thành sản phẩm vật liệu phục vụ xây dựng tại chỗ cho các công trình đường sá hoặc nhà thấp tầng. Ngoài ra, công nghệ này đã đáp ứng được một số tiêu chí chính như tiết kiệm chi phí, thời gian, quỹ đất để xử lý chất thải, đồng thời bảo đảm được vệ sinh môi trường.

Ông Đặng Tiến Thành - Giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng & đầu tư phát triển môi trường Hà Nội - đơn vị vận hành máy nghiền RM 70GO cho biết, đây là một công nghệ mang tính đột phá và quan trọng hơn là, nó rất phù hợp với điều kiện hiện có của Hà Nội. Mặc dù vậy, việc áp dụng công nghệ nghiền chất thải xây dựng vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Hiện các quy định quản lý về lĩnh vực chất thải xây dựng chưa đủ hành lang pháp lý để cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc xử lý và tái sử dụng chất thải xây dựng này. Tất cả các văn bản của Chính phủ và Hà Nội đều mới chỉ nói là khuyến khích chứ chưa có quy định cụ thể rõ ràng. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với việc sử dụng sản phẩm tái chế phục vụ xây dựng cũng chưa có. Trong dự toán thi công của các công trình xây dựng, mục chi phí xử lý chất thải xây dựng cũng chưa được đưa vào mà mới chỉ có chi phí vận chuyển chất thải. “Các quy định về xử lý chất thải xây dựng chưa gắn chặt với tránh nhiệm của chủ đâu tư nên khâu này thường bị lờ đi. Đây có thể coi là căn nguyên của nạn đổ trộm, đổ không đúng nơi quy định đang diễn ra tràn lan” – ông Thành nhấn mạnh.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ thực hiện nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị lớn như cải tạo hơn 30 chung cư cũ, GPMB đường vành đai 1, 2… Với công nghệ trên, có thể giải quyết được triệt để chất thải rắn khi phá dỡ công trình. Như vậy, mục đích giảm tải áp lực trong vấn đề xử lý chất thải xây dựng, tiết kiệm diện tích đất dành cho việc chôn lấp, tránh những nguy cơ gây hại cho môi trường mà TP hướng tới đã có hướng đi hiệu quả.

Ngày 12/6, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng trên địa bàn TP. Theo đó, TP đồng ý 5 địa điểm tại Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh làm điểm trung chuyển, đặt tạm thời máy móc, thiết bị xử lý phế thải xây dựng. Đồng thời cho phép Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp TP Hà Nội vận chuyển toàn bộ khối lượng phế thải trong quá trình GPMB dự án mở rộng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu đến địa điểm tiếp nhận, xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng tạm thời tại quận Hoàng Mai để thí điểm nghiền và tái sử dụng.


Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dây chuyền nghiền phế thải vật liệu xây dựng được nhập khẩu từ Đức và Áo có nhiều tác dụng. Phế thải vật liệu xây dựng không phải đưa đi chôn lấp mà sẽ được nghiền nhỏ. Thành phẩm sau khi nghiền có thể sử dụng thay cho cát đen hoặc đá dăm cấp phối dùng trong việc san nền đối với các công trình giao thông chịu nén tải thấp như hè đường. Ngoài ra, còn có thể sử dụng để sản xuất gạch không nung, gạch block lát vỉa hè, bê tông dùng cho đường giao thông nông thôn...