So với 2015, tỷ lệ thi hành về tiền tăng vượt bậc. Tuy nhiên, những khó khăn trong công tác này vẫn chưa được tháo gỡ triệt để.
Giảm giá vẫn khó bán
Theo Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), do tâm lý e ngại của người dân không muốn đầu tư vào tài sản THA dẫn đến việc bán tài sản để đảm bảo THA còn nhiều hạn chế, đa số các trường hợp phải đưa ra bán nhiều lần mới thành, hoặc đã đưa ra đấu giá nhiều lần vẫn không bán được. Tại Hà Nội, theo Cục THADS, có vụ đã giảm giá đến 17 lần vẫn không có người mua. Một trong những khó khăn trong THA liên quan đến tín dụng ngân hàng là rất nhiều tài sản bảo đảm tính thanh khoản rất thấp; nhiều khu vực không có giao dịch; hầu hết tài sản bảo đảm các tổ chức tín dụng nhận thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán đều được định giá rất cao, bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán rất lớn nhưng đến khi tổ chức THA, định giá thực tế thấp hơn rất nhiều lần; nhiều tài sản đưa ra bán đấu giá, hạ giá nhiều lần vẫn không có người mua. Một khó khăn nữa là có nhiều việc dù bán đấu giá thành nhưng rất khó giao tài sản cho người trúng đấu giá. Hết năm 2016, toàn quốc còn đến 260 trường hợp chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá, chủ yếu là nhà ở và quyền sử dụng đất.
Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội tổ chức cưỡng chế thi hành án ngôi nhà tại số 33, ngách 50/23 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ tháng 1/2017. Ảnh: Hồng Thái |
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có nguyên nhân từ phía ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đơn cử, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng không tuân thủ chặt chẽ trình tự thủ tục cho vay, thiếu kiểm tra việc quản lý và sử dụng vốn vay cũng như tài sản bảo đảm dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi tiền, tài sản ở giai đoạn thi hành án. Một số ngân hàng còn phó mặc cho THA trong xác minh tài sản, chưa phối hợp trong việc nhận tài sản bán đấu giá không thành để đối trừ vào khoản được THA. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng quá trình xét xử, Tòa chỉ căn cứ trên hợp đồng, chưa xem xét tài sản bảo đảm trên thực tế dẫn đến việc THA khó khăn. Chẳng hạn, nhiều vụ Tòa chỉ ghi nhận xử lý tài sản trên cơ sở hợp đồng thế chấp; không phân định rõ quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng của người phải THA trong khối tài sản chung…
Thẩm định chặt chẽ tài sản thế chấp
Cục THADS Hà Nội đề nghị đối với những việc đang bán đấu giá nhưng không có người mua, những việc đang làm thủ tục để bán đấu giá và việc đã bán đấu giá thành thì cần tiếp tục thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục về bán đấu giá, thẩm định giá, giảm giá và xây dựng kế hoạch thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng để giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua trúng đấu giá đúng thời hạn quy định. Trường hợp sau 2 lần giảm giá mà không có người đăng ký mua thì đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận tài sản để trừ vào nghĩa vụ của người phải THA.
Còn theo Tổng cục THADS, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi lập hồ sơ cho vay vốn cần thẩm định chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra.