Lùm xùm đã thành lệ
Không phải đến cuộc thi "Nữ hoàng Biển Việt Nam 2013", những lùm xùm từ các cuộc thi hoa hậu, người đẹp mới được phát hiện. Đã từ lâu, những thông tin chạy tiền lấy giải, gạ tình… trong các cuộc thi hoa hậu, người đẹp đã diễn ra thành lệ, nhưng dường như chưa được phanh phui, hoặc "khui" ra rồi lại bị lãng quên vì chưa có hình phạt thích đáng.
Nếu thí sinh Phan Như Thảo của Công ty Venus không tố cáo sai phạm của BTC cuộc thi "Hoa hậu Trang sức 2007" với báo giới ngay tại sảnh Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội trong đêm chung kết cuộc thi, thì những thông tin chạy tiền đoạt giải, thành viên BTC gạ tình, hồ sơ gian dối khó lòng được đưa ra. Và sau đó, cũng vì mâu thuẫn nội bộ của BTC “Hoa hậu Trang sức 2007” giữa ông Lê Ngọc Dũng (Tổng Biên tập tạp chí Thời Trang Vàng, Trưởng BTC cuộc thi “Hoa hậu Trang sức 2007”) và ông Lương Văn Hùng (nguyên Giám đốc điều hành tạp chí Thời Trang Vàng), vấn đề vi phạm quy chế trong công tác tổ chức cuộc thi càng được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng được gọi là… thanh tra, ngoài việc tước danh hiệu Hoa hậu áo dài của thí sinh Trần Ngọc Trinh, yêu cầu một số thí sinh bồi thường thì BTC gần như được "minh oan" nhờ kết luận thanh tra. Và 1/3 số hồ sơ thí sinh không đủ điều kiện dự thi, Á hậu 1 Trương Thị May không có bằng tốt nghiệp trung học và cả câu chuyện BTC nợ tiền giải thưởng… bị lấp liếm vì khó đưa ra được chứng cứ. Còn vấn đề gạ tình thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan công an.
Nhiều công ty tổ chức giật mình sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn tước giấy phép tổ chức một cuộc thi người đẹp cấp quốc gia. Trong ảnh: Các thí sinh dự thi “Nữ hoàng Biển Việt
Ảnh: Hà Trang
Tại cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2008" cũng xảy ra câu chuyện tương tự. Nếu không có lời tố cáo trình độ học vấn của đương kim Hoa hậu Việt Nam 2008 Trần Thị Thùy Dung thông qua mạng xã hội, chắc chắn tập hồ sơ thiếu bằng tốt nghiệp trung học của cô sẽ được BTC lờ đi. Sau rất nhiều lần đôi co giữa các phương tiện truyền thông và BTC cùng thanh tra ngành văn hóa, sự thực về trình độ học vấn của gương mặt đại diện cho sắc đẹp Việt Nam mới ngã ngũ. Thế nhưng, Bộ VHTT&DL lại một lần nữa đuối lý trước lập luận của BTC: Quy chế mới chỉ yêu cầu thí sinh tham dự cuộc thi đủ 18 tuổi, có thể đang học trung học phổ thông, không yêu cầu có bằng tốt nghiệp. Vậy là nhờ "cái lý" tréo ngoe ấy, BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 đã thoát tội gian dối. Những trường hợp tương tự không ít lần được xới lên trong các cuộc thi "Hoa hậu Thế giới người Việt 2011", “Hoa hậu Việt Nam 2012”… rồi rơi vào im lặng, vì không có phán xét đích đáng của cơ quan quản lý văn hóa.
Nhờ tài giữ kín
Ngoài ra, những thông tin "bán dâm trá hình" cho các nhà tài trợ, các đại gia trong bữa tiệc gala diner trước đêm chung kết các cuộc thi sắc đẹp cũng không hề ngớt. Nhưng chưa có điều kiện phanh phui vì tài năng giữ kín miệng các thành viên giám sát của BTC. Nhiều thí sinh dự thi bức xúc nhưng vì sự hào nhoáng của chiếc vương miện nên "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Hoàng Nhật Mai, "Hoa hậu Biển Việt
Vì sao cơ quan quản lý mạnh tay?
Giải thích về quyết định kín kẽ khi thu hồi và xử lý vi phạm của cuộc thi “Nữ hoàng Biển Việt Nam 2013”, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục NTBD cho biết: "Trong cuộc thi cấp quốc gia, lãnh đạo Bộ VHTT&DL ra quyết định cấp phép. Lãnh đạo Bộ cũng là Trưởng ban chỉ đạo cùng với địa phương đăng cai cuộc thi này. Xưa nay, hầu hết các cuộc thi đều sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa, không lấy từ ngân sách Nhà nước. Nhà tài trợ chi tiền thì họ phải có quyền lợi, có thể được quảng bá, có thể trao các giải thưởng phụ... nhưng không thể vì họ bỏ tiền mà có quyền chỉ định cho cô A, cô B được giải này giải kia".