Nhiều trường oằn mình chống thí sinh ảo
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh năm 2019, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin, Bộ GD&ĐT đang xem xét cho phép TS được trúng tuyển cùng lúc nhiều trường ĐH thay vì chỉ được 1 trường như hiện nay. Khi đó, TS sẽ có thêm cơ hội lựa chọn trường mình yêu thích nhất để vào học. Cách làm này đã và đang được nhiều trường ĐH ở các nước phát triển thực hiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các trường ĐH trong nước rất khó đánh giá đúng chất lượng, chỉ tiêu tuyển sinh. TS trúng tuyển nhiều trường đồng nghĩa tỷ lệ ảo tăng cao, khi đó những trường top giữa và dưới, vốn gặp khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu sẽ phải oằn mình chống đỡ.
Thực tế trước đây, đã có thời kỳ Bộ GD&ĐT cho phép TS được trúng tuyển vào hai trường ĐH, sau đó chọn một trường phù hợp nhất để nhập học khiến tỷ lệ đỗ ảo tăng mạnh. Sau những lần điều chỉnh, hiện nay, TS được đăng ký xét tuyển không hạn chế nguyện vọng (NV) nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên; khi TS trúng tuyển NV cao nhất sẽ không được xét tuyển các NV tiếp sau. Với cách điều chỉnh này, cùng với việc tuyển sinh theo nhóm nên tỷ lệ trúng tuyển ảo ở các trường đã giảm đi rất nhiều. Khi bàn về câu chuyện TS được trúng tuyển cùng lúc nhiều trường, PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận định: “Các trường sẽ không biết được NV nào của TS là đầu tiên dẫn đến ảo lớn và rất khó khăn trong quá trình xét tuyển”. Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, các trường ĐH top đầu được nhiều TS lựa chọn sẽ không gặp vấn đề tuyển đủ chỉ tiêu nhưng trường giữa và cuối thì có, thậm chí công tác tuyển sinh kéo dài tới 5 – 7 tháng. Với việc TS cùng lúc được trúng tuyển nhiều trường dẫn đến rối loạn tuyển sinh. Các trường chủ động tuyển sinhNhiều chuyên gia nhận định, khi Bộ GD&ĐT cho phép TS được nhận nhiều giấy trúng tuyển ĐH cùng lúc chính là bước tự chủ tuyển sinh của các trường tăng lên. Bộ GD&ĐT đã nói rõ mục đích chính của "kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp" nhưng nhiều trường vẫn nối theo cái đuôi “và tuyển sinh ĐH” để lấy kết quả làm căn cứ xét tuyển. Từ quan điểm này, PGS.TS Lê Kim Long – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: “TS trúng tuyển nhiều trường là bước tiến bộ của Bộ GD&ĐT. Bộ buông và chỉ kiểm soát chuyện tuyển sinh của các trường. Đây là dòng chảy, các trường cần chủ động trong công tác tuyển sinh của mình”.Trao đổi về câu chuyện TS trúng tuyển 4 - 5 trường cùng lúc, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội rất đồng tình và cho rằng, chỉ có thể thực hiện khi vấn đề ảo trong tuyển sinh được giải quyết rốt ráo và coi là thứ yếu. Để xử lý được câu chuyện này, các chuyên gia giáo dục đề nghị mỗi năm sẽ có ít nhất hai kỳ thi THPT quốc gia để các trường ĐH thực thi quyền xét tuyển quanh năm, chứ không phải một như hiện nay. Thi THPT quốc gia hai lần/năm cũng tạo điều kiện cho những TS thi lần 1 đạt điểm không cao thì mấy tháng sau làm lại để cải thiện tình hình. Nhưng, các bộ đề thi phải được tiêu chuẩn hóa, có tỷ lệ và độ dễ - khó ngang nhau. “Đã đến lúc các trường xem xét việc tuyển sinh là của mình” - ông Điền nêu ý kiến.Như vậy, với những trường danh tiếng sẽ không ngại khi TS nhận được nhiều giấy trúng tuyển. Nhưng với những trường top giữa và cuối, đây sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt buộc phải tìm ra cách để thu hút TS đăng ký xét tuyển và say sưa với ngành đào tạo – chính là mấu chốt vấn đề. Tuy nhiên, để áp dụng được việc TS trúng tuyển nhiều trường cùng lúc, ông Lập nêu ra 3 điều kiện. Thứ nhất, các trường ĐH hoàn toàn chủ động trong tuyển sinh. Thứ hai, kết quả học tập được ghi trong học bạ của học sinh phổ thông phải phản ánh đúng thực chất. Thứ ba, định hướng ngành nghề cho TS được thực hiện tốt để TS không bị rối khi lựa chọn một trong nhiều trường trúng tuyển.
Chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng người nộp giấy nhập học trước phải chờ người sau vài tháng đến khi đủ tổ chức lớp mới bắt đầu học. Mọi người cứ nghĩ đào tạo theo tín chỉ thì người học có thể bắt đầu bất cứ lúc nào nhưng không phải thế. Sinh viên chỉ được chuyển từ lớp này sang lớp khác nhưng phải bắt đầu học cùng lúc.TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH |