Cán bộ coi thi đối chiếu ảnh TS trước khi vào phòng thi môn Vật lý tại điểm thi trường THPT Chu Văn An. Ảnh Phạm Hùng |
Bài thi Khoa học tự nhiên có độ khó tương đương với đề minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó. Vì đã được trải nghiệm với dạng đề này trong các bài kiểm tra nên các TS thi tại điểm Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông không bị bất ngờ. Tuy nhiên, nhiều TS cho biết không làm hết được các câu hỏi vì trong mỗi đề thi có những câu hỏi rất khó.
TS Lê Thị Ngọc đến từ Trường THPT Quang Trung (Hà Đông) chia sẻ: Môn Vật lý có 40 câu hỏi, trong thời gian 50 phút, em làm được 30 câu, 10 câu còn lại "khoanh bừa" vì yêu cầu kiến thức nâng cao, phải áp dụng nhiều thực tế mới có thể giải được. Với đề thi môn Hóa học, Ngọc làm được 27 câu, còn lại 13 câu do yêu cầu tính toán phức tạp mới ra được công thức nên "khoanh bừa đáp án".Riêng đối với đề thi Sinh học không phải là môn thi lấy điểm xét tuyển đại học (ĐH) nên Ngọc chọn đáp án mà không suy nghĩ, với hy vọng không bị điểm liệt. "Em thích làm mỗi đề có 1 môn thi hoặc 1 đề có 3 môn nhưng làm theo một mạch, chứ không phải làm hết 1 đề rồi ngừng 10 phút rồi lại chuyển sang thực hiện đề khác", TS Lê Thị Ngọc cho biết.Cũng như TS Lê Thị Ngọc, TS Hoàng Thị Ngọc Ánh đến từ Trường THPT Quang Trung (Hà Đông) cho biết, rất căng thẳng khi làm 3 đề thi trong một buổi thi với thời gian sát nhau. Không chỉ phải suy nghĩ nhiều hơn, nếu bài trước làm không tốt thì em không thể tập trung làm tốt đề thi sau. Có lẽ vì thế, đây cũng là một lý do Ánh "khoanh bừa" tất cả các đáp án trả lời ở đề thi môn Hóa học và Sinh học. "Vì em xét tuyển ĐH khối A1 nên không học môn Hóa, Sinh. Em hy vọng môn Hóa học và Sinh học được 2 điểm đủ đỗ tốt nghiệp THPT. Với đề thi môn Vật lý, em làm được 30 trên tổng số 40 câu. 10 câu còn lại em có suy nghĩ trước khi chọn đáp án nhưng không chắc chắn đúng.
Nhiều TS nhanh chóng bước ra khỏi phòng thi, ngại chia sẻ vì mệt mỏi. Ảnh Trần Oanh |