Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi THPT quốc gia 2017: Thay đổi cách dạy - học để thích ứng

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương án thi THPT quốc gia năm 2017 tuy được đánh giá là đã tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp hơn so với dự thảo, song vẫn khiến các trường THPT xáo trộn trong dạy - học.

Các trường phải điều chỉnh chương trình, lịch học, phương pháp dạy, cách ra đề từ tự luận sang trắc nghiệm một cách gấp gáp để học sinh (HS) thích ứng với cách thi mới.

Nhiều xáo trộn

Ngoài các môn Toán, Sử, Địa chuyển từ thi tự luận sang trắc nghiệm thì lần đầu tiên môn Giáo dục công dân (GDCD) được đưa vào thi để xét tốt nghiệp THPT. Đây là điều khiến các trường phổ thông lo lắng, bởi môn này xưa nay được xem là môn phụ, học cho có thì nay được xếp vào ngang hàng với các môn chính khác.

 Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa trong giờ ôn tập Hóa học.      Ảnh: Phạm Hùng

Ông Nguyễn Tu Tập – Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi, tâm lý giáo viên (GV), HS có nhiều lo lắng. Bởi thế, nhà trường gấp rút lên kế hoạch thay đổi cách dạy – học: “Việc chuyển đổi hình thức thi 2 môn Sử, Địa ít nhiều cũng có chút khó khăn, nhưng do 2 môn này vẫn nằm trong 8 môn học được thường xuyên kiểm tra chung và có nhiều HS vẫn thi nên cơ bản sẽ khắc phục được khó khăn. Tuy nhiên, với môn GDCD và môn Toán thật sự là bất ngờ trong phương án thi năm nay. Do đó, nhà trường đã họp bàn với các GV để bố trí lịch học, cho HS đăng ký môn thi theo nguyện vọng... Nhà trường sẽ bố trí, tăng cường ôn tập hợp lý để HS làm quen sớm với cách thi trắc nghiệm ở các môn mới áp dụng trong năm nay”.

Thực tế, những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay ít nhiều cũng có sự xáo trộn cho HS, GV. Bà Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, nhà trường đã có kế hoạch và sắp xếp lại toàn bộ lịch học cũng như thời lượng chương trình để phù hợp với phương án thi mới. Theo đó, với từng bộ môn, nhà trường phân công mỗi GV soạn lại giáo án 1 chương theo hình thức trắc nghiệm để thay thế giáo án trước đây. Thời khóa biểu của trường cũng điều chỉnh theo hướng tăng những môn dự kiến thi trong bài tổ hợp: “Trước đây, các em học theo hình thức 4 môn, giờ chuyển thành 6 môn, hình thức thi cũng thay đổi nên nhà trường sẽ phải sắp lại lớp học theo nguyện vọng của HS để điều chỉnh cho phù hợp thực tế”.

Tăng trắc nghiệm cho học sinh làm quen

Nhiều ý kiến cho rằng, năm nay là một năm học khá nặng cho HS, bởi bắt buộc HS phải thi ít nhất 6 môn để xét tốt nghiệp THPT (năm trước là 4 môn). Riêng 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN), Khoa học xã hội (KHXH): Trước đây chỉ có 60 câu, nay Bộ GD&ĐT quyết định nâng lên 120 câu với thời gian thi 150 phút... là quá nhiều. Bởi thế, các trường đều có phương án, kế hoạch dạy – học cụ thể, tăng cường kiểm tra bằng hình thức ra câu hỏi trắc nghiệm để HS làm quen.

Ông Tập cho rằng, với lượng thời gian thi trắc nghiệm bài thi tổ hợp 150 phút là khá dài nên ít nhiều sẽ gây khó khăn cho HS. Lo nhất là môn GDCD, do vậy, ngay sau khi có dự thảo, trường đã họp tổ bộ môn để yêu cầu GV viết lại khung chương trình, lên kế hoạch dạy học và chuẩn bị xây dựng các bộ câu hỏi trắc nghiệm liên quan để HS dần làm quen. Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường yêu cầu các GV bộ môn sưu tầm các đề thi trên mạng, làm các bộ đề thi trắc nghiệm, hướng dẫn HS cách làm bài thi trắc nghiệm... Đặc biệt, để giải tỏa tâm lý và để HS không bỡ ngỡ, trường ra đề trắc nghiệm môn Toán 2 lần/năm (kỳ 1 và kỳ 2).

Có thể thấy, thời điểm này, hầu hết các nhà trường đều đã có kế hoạch và thay đổi phương án dạy học, có sự quan tâm, hướng dẫn cụ thể để HS yên tâm học tập. Ngoài dạy tốt kiến thức nền, các nhà trường chỉ đạo GV bộ môn phải tích cực tham gia làm đề trắc nghiệm, cho HS trải nghiệm hàng ngày, hàng giờ trong lớp học nhằm đáp ứng theo yêu cầu đổi mới của kỳ thi.