Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường BĐS đang dần phục hồi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng

Các báo cáo, phân tích gần đây của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực BĐS cũng đã đưa ra những nhận định khả quan về thị trường. 

Trong quý I, thị trường BĐS tiếp tục phục hồi. Dư nợ tín dụng và lượng giao dịch tăng. Lượng giao dịch thành công giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tại Hà Nội có 4.250 giao dịch thành công trong quý I, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Các giao dịch tập trung ở các dự án đang thi công và dự án đã hoàn thành có vị trí tốt. Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh cũng có lượng giao dịch thành công tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Cụ thể có 3.950 giao dịch thành công, tập trung ở phân khúc căn hộ có diện tích trung bình và nhỏ từ 70 - 90m2/căn hộ. Hàng tồn kho BĐS giảm mạnh trong quý I. Tính đến cuối tháng 3/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS còn 70.703 tỷ đồng, giảm 57.845 tỷ đồng (giảm 45%) so với quý I năm 2013. Tại Hà Nội, tồn kho BĐS ước tính khoảng 9.006 tỷ đồng, giảm 8.054 tỷ đồng, tương ứng 45%. Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, giá trị tồn kho BĐS khoảng 14.057 tỷ đồng, giảm 51% so với quý I/2013.
Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm. 	Ảnh: Công Hùng
Kinhtedothi - Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, dư nợ tín dụng BĐS tính đến ngày 31/1/2015 khoảng 316.578 tỷ đồng, tăng 4,8% so với thời điểm cuối năm 2014. Những đánh giá thị trường BĐS của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, giá cả BĐS trong quý I/2015 tương đối đối ổn định. Một số dự án tại các khu vực hạ tầng đầy đủ, triển khai đúng tiến độ có giá chào bán tăng nhẹ. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư phần lớn giữ giá ổn định, một số dự án đang hoàn thiện, có vị trí tốt tăng khoảng 1 - 3%. Thị trường TP Hồ Chí MInh, giá nhà ở cũng ổn định, không có nhiều biến động, tăng nhẹ ở một số dự án sắp hoàn thành có hạ tầng tốt.

Bộ Xây dựng cho biết, tính đến giữa tháng 3/2015 gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường BĐS đã giải ngân được 6.285 tỷ đồng, tương ứng 20,95% tổng mức tín dụng gói hỗ trợ. Bên cạnh đó, lượng vốn cam kết cho vay của gói hỗ trợ này đạt mức 10.967 tỷ đồng, tương ứng 36,5 % tổng lượng vốn hỗ trợ. Xét theo cơ cấu vốn vay, đến nay các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho 14.367 hộ gia đình, cá nhân vay với tổng số tiền 6.547 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 4.525 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cam kết cho 34 dự án BĐS vay 4.220 tỷ đồng, đã giải ngân cho 31 dự án, với dư nợ 1.760 tỷ đồng.

Cũng trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường BĐS đã diễn ra xu hướng chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và điều chỉnh cơ cấu nhà ở thương mại. Hiện có 88 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, tăng 14 dự án so với cùng kỳ năm trước, số lượng căn hộ ban đầu là 36.113, xin được chuyển thành 49.199 căn hộ. Có 62 dự án xin đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 41.769 căn hộ.

Mặc dù thị trường BĐS đang cho thấy những dấu hiệu tích cực, song hơn lúc nào hết cơ quan quản lý và các DN kinh doanh BĐS cần có những bước đi phù hợp, tránh tạo ra những cơn sốc, làm suy giảm niềm tin vừa mới được nhen nhóm. Cùng với sự ấm lên của thị trường, những chiêu thức bán hàng nhằm tạo ra sốt ảo đã quay trở lại với mức độ tinh vi ngày càng "thâm sâu". Cùng với đó, tín dụng cũng rộng cửa  hơn với BĐS khi lãi suất đang ở mức khá hấp dẫn. Thị trường phục hồi thì đã rõ nhưng có bền vững hay chỉ là "sóng" ngắn hạn phụ thuộc vào thái độ ứng xử của tất cả các bên. Nếu ăn xổi sẽ chỉ... ở thì mà thôi!