Một màn hình tin tức về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung ngày 16/11, tại một nhà hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS |
Cuộc gặp trực tuyến của hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình đã diễn ra trong không khí tương đối ấm cúng, với việc cả hai nhấn mạnh trách nhiệm của họ trong việc tránh các xung đột. Chủ tịch Trung Quốc thậm chí đã gọi Tổng thống Mỹ là "người bạn cũ".
Phản ứng với sự lạc quan này, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản MSCI tăng 0,27% lên mức cao nhất kể từ ngày 27/10, trong khi Nikkei của Tokyo tăng 0,4%.
Dickie Wong, giám đốc điều hành nghiên cứu tại Kingston Securities, có trụ sở tại Hồng Kông nhận định: "Cuộc gặp gỡ video là rất quan trọng, bởi căng thẳng giữa hai nước dường như đang giảm bớt, và tôi dự đoán tâm lý thị trường nói chung sẽ tiếp tục được cải thiện".
Quan hệ Mỹ - Trung đã trải qua một thời gian căng thẳng kéo dài dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, trong khi cả hai bên gần đây cũng đã leo thang khẩu chiến về một loạt các vấn đề gây tranh cãi, bao gồm thương mại, công nghệ và vấn đề Đài Loan.
Những căng thẳng rõ rệt giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã làm chao đảo thị trường toàn cầu vào nhiều thời điểm khác nhau trong vài năm qua, vì vậy bất kỳ tín hiệu lạc quan nào từ các cuộc đàm phán sẽ được coi là tín hiệu tích cực cho các thị trường tài sản rủi ro.
Khởi đầu thân thiện của cuộc gặp vào đầu ngày 16/11 (giờ Trung Quốc) đã đẩy đồng Nhân dân tệ trong nước và nước ngoài lên cao hơn trong giao dịch buổi sáng, với giá giao ngay trong nước đạt mức cao 6,3666/USD, mạnh nhất kể từ ngày 1/6.
Trong khi đó, đồng USD lại giảm xuống thấp hơn sau cuộc gặp, mất điểm so với đồng euro, tăng gần 0,2% so với mức thấp nhất trong 16 tháng và cuối cùng ở mức 1,1381/USD. Nhìn chung, thị trường tiền tệ được cho cũng đang được thúc đẩy bởi các phản ứng khác nhau từ các ngân hàng trung ương toàn cầu trước áp lực lạm phát gia tăng.