Thị trường chứng khoán: Mong manh mốc 500 điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, 549,51 điểm ngày 6/5, đến nay đã hơn hai tháng chỉ số không thể bứt phá dứt khoát khỏi vùng 500 điểm.

KTĐT - Sau khi đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, 549,51 điểm ngày 6/5, đến nay đã hơn hai tháng chỉ số không thể bứt phá dứt khoát khỏi vùng 500 điểm.

Phiên giao dịch hôm qua, ngày 22/7, VN Index giảm tới 5,12 điểm, mặc dù vẫn giữ được mốc 500 điểm (đứng ở mốc 500,28 điểm) song lực mua yếu vào cuối phiên cho thấy VN Index đang đi trên ranh giới cân bằng khá mong manh ở mốc này.


Nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh trong phiên hôm qua chính là sức ỳ từ các mã bluechips, trong khi nhóm penny không còn sức hỗ trợ. Hầu hết các nhóm ngành đều để tụt điểm với mức biến động giảm từ 1% đến 3,2%. Nhóm để mất điểm mạnh nhất là nhóm Truyền thông giảm 3,2%, sau là nhóm Bảo hiểm với mức giảm 3%. Sắc đỏ loang rộng trên bảng điện tử. Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường chỉ có 26 mã tăng giá, 41 mã đứng giá và 184 mã giảm giá,chiếm hơn 70% tổng số chứng khoán niêm yết trên sàn. Tương tự sàn TPHCM, tại sàn Hà Nội, số lượng cổ phiếu giảm giá trên sàn cũng áp đảo lượng tăng giá, với tỷ lệ là 198:88. Nhà đầu tư nước ngoài phiên này vẫn chưa có đột biến đáng kể trong khối lượng giao dịch. Tổng khối lượng mua đạt 118.500 đơn vị, bán là 141.700 đơn vị với giá trị tương ứng lần lượt là 4,3 tỷ và 4 tỷ đồng.


Trong thời gian tới, nhận định mà chuyên gia của MB Capital đưa ra là thị trường thế giới vẫn tiếp tục có nhiều bất ổn khó lường, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam, tập trung ở 3 quan ngại chính. Thứ nhất, lo ngại về tình hình nợ công và suy thoái kinh tế tại châu Âu, Mỹ và Nhật, tăng trưởng kinh tế đang trên đà chậm lại tại Trung Quốc, có thể gây nên nhiều bất ổn trên thị trường chứng khoán thế giới, tạo tâm lý tiêu cực lên thị trường chứng khoán trong nước; Thứ hai, lượng cung hàng hóa tăng cao trong nửa sau của năm trên thị trường, cộng với nhu cầu nâng vốn của nhiều ngân hàng (3.000 tỷ đồng), trong khi lượng tiền vào thị trường vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt; Thứ ba, một số quan ngại về các vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam như tình trạng thâm hụt mậu dịch vẫn cao gây sức ép lên tỷ giá, điều này vẫn là quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài.


Ngoài 3 nguyên nhân mà MB Capital nêu trên, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF) đề cập thêm một vấn đề nữa đó là việc hàng hóa lên niêm yết kém chất lượng. Nhiều đơn vị, để tạo thuận lợi cho việc lên sàn, đã đưa ra các kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm 2009, điều này khiến hoặc DN mặc dù có kết quả rất tốt so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ đạt kế hoạch kỳ vọng, hoặc NĐT nghi ngờ về chất lượng lợi nhuận của DN trong những năm tới. "Khi nào những vấn đề chúng tôi nêu trên được cải thiện, các chỉ số sẽ tìm được lại xu hướng tăng trưởng", các chuyên gia của SHF nhận định.