Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán phái sinh mở cửa: Lợi ích nào cho nhà đầu tư?

Tú Hồ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tới đây, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ chính thức khai mở. Đây được coi là một sản phẩm bậc cao của thị trường vốn với các cơ chế vận hành phức tạp, đòi hỏi phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý.

Với việc triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh cơ bản sẽ là bước khởi động tốt để nhà đầu tư làm quen với thị trường và sản phẩm mới.
Nhiều cơ hội đầu tư hơn

Sau hơn một thập kỷ, kể từ những ngày đầu thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, cho đến nay, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã làm quen với các sản phẩm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ mở, quỹ đóng... cũng như cách thức giao dịch - thanh toán của những sản phẩm này. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là một thị trường có nhiều phân lớp với các kiểu hình chứng khoán đa dạng.
Kiểm tra, giám sát đấu thầu trái phiếu điện tử tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.   Ảnh: Tuấn Anh
Trên thực tế, nhà đầu tư Việt Nam chỉ mới được tiếp cận với các sản phẩm chứng khoán cơ bản nhất. Trong khi đó, thị trường chứng khoán thế giới là một thị trường hoàn chỉnh, đáp ứng linh hoạt nhất nhu cầu chung chuyển vốn, đa dạng danh mục đầu tư, phục vụ mục đích giao dịch không chỉ trên các cổ phiếu, trái phiếu của DN, trái phiếu Chính phủ hay chứng chỉ của các Quỹ đầu tư, mà còn phục vụ giao dịch cho rất nhiều kiểu hình hàng hóa. Từ nông phẩm, kim loại quý, năng lượng đến hỗ trợ dự đoán nhiều hiện tượng có khả năng xảy ra trong tương lai, kể cả là thời tiết hay kết quả bầu cử nội các...

Vì thế, Bộ Tài chính đã chuẩn bị kế hoạch ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh trong năm 2017, mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho thị trường. Trong thời gian trước mắt, các sản phẩm chứng khoán phái sinh cơ bản sẽ là bước khởi động tốt nhất để nhà đầu tư làm quen với thị trường và sản phẩm mới. Theo đó, chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, với đặc điểm là một phân cấp thị trường chứng khoán bậc cao, đa dạng sản phẩm và khác biệt so với thị trường cơ sở, thu hút nhiều định chế đầu tư nước ngoài, sẽ là một thị trường đáng chú ý đối với cộng đồng đầu tư trong và ngoài nước, cá nhân và cả tổ chức đầu tư.

Không giới hạn việc nắm giữ

Theo Nghị định 42/2015/NĐ-CP, chứng khoán phái sinh là một công cụ tài chính, trong đó giá trị của nó phụ thuộc vào giá trị của một hay nhiều loại tài sản cơ sở. Chứng khoán phái sinh có dạng hợp đồng tài chính, trong đó quy định quyền lợi và hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán hoặc và chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

Tài sản của chứng khoán phái sinh là hàng hóa gồm thực phẩm (cà phê, hồ tiêu…), kim loại (vàng, bạc, kẽm…), năng lượng (khí đốt, dầu) hoặc phi hàng hóa như cổ phiếu (chỉ số cổ phiếu, cổ phiếu đơn lẻ), trái phiếu (trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương, trái phiếu DN), lãi suất (lãi suất ngân hàng, lãi suất ngoại tệ), tiền tệ (USD, Yên Nhật, Euro...).

Khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh, lợi ích mà nhà đầu tư có được gồm: Phòng hộ rủi ro khi có nhu cầu giao dịch thực sự tài sản cơ sở và rủi ro liên quan đến biến động giá của tài sản; Đầu tư hạn chế chênh lệch giá là khi các cá nhân, tổ chức tham gia mua và bán đồng thời một hoặc nhiều loại chứng khoán phái sinh. Mục đích của nhà đầu tư hạn chế chênh lệch giá là tận dụng sự chênh lệnh giá giữa các chứng khoán phái sinh để thu về lợi nhuận phi rủi ro. Với đầu cơ, khi các cá nhân, tổ chức không có ý định giao dịch tài sản cơ sở mà muốn lợi dụng sự biến động về giá của tài sản cơ sở để thu về lợi nhuận ngắn hạn.

Từ thực tế trên có thể thấy, hình thành thị trường chứng khoán phái sinh có các ưu điểm: Hỗ trợ cho thanh khoản thị trường cơ sở, cũng như cho phép nhà đầu tư tận dụng các lợi thế về đòn bẩy, giao dịch - bù trừ nhanh chóng, không giới hạn việc nắm giữ, và liên tục dự đoán xu thế thị trường.

Hiện nay, khung pháp lý hướng dẫn cho việc triển khai xây dựng và vận hành thị trường chứng khoán phái sinh đã và đang được các bộ, ngành hoàn thiện. Hệ thống công nghệ, công tác tuyên truyền để vận hành thị trường được tăng cường.

Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa ban hành Quy chế thành viên Thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) tại HNX, quy định cụ thể về yêu cầu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giao dịch CKPS và hồ sơ thủ tục đăng ký làm thành viên TTCKPS. Với việc ban hành Quy chế này, hệ thống văn bản pháp quy về thành viên thị trường cơ bản đã hoàn tất để chuẩn bị cho ngày mở cửa TTCKPS vào quý III/2017.