Kinhtedothi - Sau nhiều lần "nhấp nhổm", chiều ngày 18/12, giá xăng chính thức tăng thêm gần 600 đồng/lít. Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh đầu mối được tăng giá bán lẻ tối đa 584 đồng/lít xăng, tăng 653 đồng/lít dầu diesel... từ 14 giờ ngày 18/12.
Lý giải trong văn bản điều hành các DN tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính nhận định giá xăng dầu thế giới trong 30 ngày gần đây tiếp tục có biến động tăng và duy trì ở mức cao. Nguồn Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều (số dư Quỹ ước tính đến hết ngày 10/12/2013 còn khoảng 72 tỷ đồng trong đó có 7 DN đã bị âm), căn cứ tình hình kinh tế xã hội trong nước; sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quyết định, trước mắt sẽ cắt giảm, không tính lợi nhuận định mức trong giá cơ sở đối với 3 mặt hàng: Xăng, dầu điêzen, dầu hỏa (tạm tính lợi nhuận 0 đồng/lít). Đồng thời, ngừng sử dụng Quỹ BOG với mặt hàng xăng, dầu điêzen.
Với quyết định này, giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 tăng lên tối đa 24.214 đồng, dầu diesel lên 22.963 đồng trong khi madút là 22.404 đồng. Petrolimex, đơn vị chiếm trên 50% thị phần cả nước cho biết đã điều chỉnh lên mức 24.210 đồng một lít xăng RON 92. Đây cũng là mức bán ra của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).
Trước việc mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng giá, người dân, DN không giấu nổi nỗi lo. Người dân thì lo nhiều mặt hàng thiết yếu rồi cũng sẽ tăng theo giá xăng; còn DN lại lo chi phí sản phẩm bị đẩy lên cao, trong khi đó, vấn đề tiêu thụ hàng tồn kho đang rất khó khăn. "Gần Tết cái gì cũng lên giá, gas lên chóng mặt, sữa, giá vé tàu xe... nay xăng cũng lên giá, không hiểu rồi tới đây đến mặt hàng nào nữa", anh Hùng lái xe ôm bất ngờ với thông tin tăng giá khi vào đổ xăng trên phố Nguyễn Lương Bằng chia sẻ.
Chi phí đi lại có thể đắt lên sau khi giá xăng tăng nhưng các bà nội trợ còn lo hơn khi nghĩ tới cảnh thực phẩm, rau xanh chắc chắn sẽ được dịp "té nước theo mưa", nhất là thời điểm này, khi chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Thực tế chưa cần đến "cú sốc" tăng giá xăng, một vài mặt hàng thiết yếu thời gian qua đã "dựa hơi" Tết để tăng giá bán, dù nhu cầu không tăng.
Người dân đang phải gánh một loạt các khoản chi phí trên vai. Vì vậy, nhiều gia đình phải "thắt lưng buộc bụng" nhiều khoản mới đủ thu bù chi. "Cả nhà tôi lo thon thót vì giá xăng, giá gas tăng... "Tất cả những hình thức tiết kiệm tôi đều đã áp dụng từ cách đây 2 năm rồi", chị Hòa một tiểu thương ở chợ Thành Công chia sẻ. Chị Hòa cho biết: Từ đầu năm đến nay, việc buôn bán, kinh doanh ở chợ đã ế ẩm, nay lại nghe tin xăng tăng giá thì không biết hàng hóa bán thế nào. Do chợ vắng người mua nên nhiều chủ cửa hàng thường xuyên đi muộn về sớm. Thậm chí có người 9 giờ sáng mới ra bán hàng, 11 giờ đã đóng cửa về rồi. Do kinh tế khó khăn nên người dân đi mua sắm cũng ít hơn trước. Bây giờ xăng tăng giá, chắc chắn giá cả các loại hàng hóa cũng sẽ tăng lên ít nhiều thì việc buôn bán sẽ càng khó khăn hơn....
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, xăng là mặt hàng thiết yếu đầu vào cho nhiều ngành, nên đợt tăng giá này, dưới sự cộng hưởng của nhiều yếu tố và tác động dây chuyền, một làn sóng tăng giá mới sẽ đến. Khi đó, người dân sẽ cắt giảm chi tiêu. "Điều này trái ngược với nỗ lực của Chính phủ đang ra sức giải phóng hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng” - ông Phú nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo quy luật, CPI của tháng 1 năm 2014 có khả năng sẽ tăng cao hơn các tháng cuối năm 2013. Dù biết tăng giá xăng là khó tránh khỏi nhưng ông Long cũng lưu ý các cơ quan quản lý cần tính đến hài hòa lợi ích người dân, nhất là vào thời điểm khó khăn hiện nay, nhiều mặt hàng dồn dập tăng giá. Thậm chí ngay cả cách tính giá cơ sở cũng cần xem lại để tránh sai sót, không nên chỉ dựa vào báo cáo của DN.
Giá xăng tăng thêm 600 đồng/lít sẽ khiến giá nhiều mặt hàng tăng trong dịp cuối năm. Ảnh: Đức Giang
|