Giá “vàng đen” đã chạm mức cao nhất trong hai năm ở phiên giao dịch cuối tuần qua, chốt tuần leo dốc gần 5% nhờ các số liệu khả quan về kinh tế Mỹ và kỳ vọng vào sự khởi sắc nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Trong phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu Brent giao tháng 8 nhích 50 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên mức 69,22 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 7 giao dịch ở mức 66,87 USD/thùng, tăng 55 xu Mỹ, khoảng 0,8%. Tính chung trong tháng 5, giá dầu WTI đã tăng 4,31% và giá dầu Brent cộng 3,57%. Tính từ đầu năm, cả hai mặt hàng dầu này đều leo dốc hơn 30%.
Những kỳ vọng rằng nền kinh tế mở cửa trở lại, người dân Mỹ và châu Âu sẽ tăng cường đi du lịch đã lấn át tâm lý lo ngại về tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng ở châu Á. Các nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi khoảng gần 100 triệu thùng/ngày trong quý III - mùa du lịch cao điểm tại Mỹ và các nước châu Âu.
Bên cạnh đó, các dữ liệu tích cực từ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất và cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới, cũng tạo lực đẩy quan trọng cho đà tăng mạnh của giá dầu trong tuần qua. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020 và tốt hơn nhiều so với dự báo.Nhận định về triển vọng phục hồi của thị trường nhiên liệu trong thời gian tới, ông Ehsan Khoman - Giám đốc và trưởng bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại ngân hàng MUFG cho biết: “Được thúc đẩy bởi các dữ liệu kinh tế tốt cùng tâm lý ưa thích tài sản rủi ro của nhà đầu tư trên thị trường tài chính, giá dầu Brent đang nỗ lực một lần nữa nhằm chinh phục mốc giá tâm lý quan trọng 70 USD/thùng trong quý II và sẽ duy trì mức giá này trong mùa Hè”.Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đang chịu áp lực từ đợt tái bùng phát Covid-19 mới ở châu Á. Theo số liệu của Reuter, tổng số ca nhiễm ở khu vực Nam Á đã vượt 30 triệu vào ngày thứ Sáu, dẫn đầu là Ấn Độ - quốc gia đang chống chọi với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.Ngoài ra, đà đi lên của giá dầu trong quý II có thể chịu tác động tiêu cực từ khả năng sắp có thêm nguồn cung nhiên liệu từ Iran. “Iran sẽ khiến cho tốc độ tăng của giá dầu chậm lại” - ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau thuộc Mizuho ở New York, nhận định. Nếu đạt một thỏa thuận với các cường quốc để khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015, Iran sẽ được dỡ trừng phạt kinh tế, trong đó có lệnh cấm vận dầu lửa. Khi đó, nước này sẽ đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu dầu.Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích kỳ vọng rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, trong cuộc họp chính sách vào ngày 1/6, sẽ tạm hoãn việc nâng sản lượng dầu kể từ tháng 7 tới, nhằm thắt chặt thị trường khi nguồn cung từ Iran tăng lên.