Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường địa ốc Hà Nội: Chóng mặt vì đầu cơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bóng dáng thời bao cấp lấp ló đâu đó khi lần đầu tiên tại Hà Nội diễn ra cảnh hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy nhau trong suốt 3 ngày liền chỉ để giành được phiếu quyền bốc thăm mua căn hộ tại khu chung cư Dương Nội của tập đoàn Nam Cường.

KTĐT - Bóng dáng thời bao cấp lấp ló đâu đó khi lần đầu tiên tại Hà Nội diễn ra cảnh hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy nhau trong suốt 3 ngày liền chỉ để giành được phiếu quyền bốc thăm mua căn hộ tại khu chung cư Dương Nội của tập đoàn Nam Cường.

Đáng nói là hiện tượng sốt nóng trên thị trường bất động sản không chỉ diễn ra tại Nam Cường.

Đánh vật mua nhà!

Đã hơn 5 giờ chiều mà đám đông vẫn vây kín vòng trong vòng ngoài trước cửa sàn giao dịch bất động sản của tập đoàn Nam Cường tại tòa nhà Licogi trên đường Khuất Duy Tiến. Họ nằm trong số cả ngàn người đã chầu chực suốt từ sáng sớm cho đến tận chiều tối với hy vọng giành được lá phiếu quyền tham gia bốc thăm mua 300 căn hộ chung cư ở khu đô thị Dương Nội.

Đây thực sự là một cuộc chiến quyết liệt vì Nam Cường chỉ đưa ra 900 phiếu quyền bốc thăm trong khi theo ông Nguyễn Đỗ Việt, chánh văn phòng tập đoàn Nam Cường thì có tới gần 2.000 người tới tìm cơ hội. Nếu ai may mắn lọt vào số 900 người được bốc thăm thì xác suất chiến thắng cũng chỉ là một phần ba.

“Sáng vừa mở cửa thì họ đã xô vào, chen lấn tới bàn đăng ký làm đổ cả bàn ghế, suýt vỡ cả cửa kính. Tôi phải tuyên bố dừng không làm việc,  đến 2 giờ chiều khi tình hình bớt hỗn loạn mới tiếp tục giải quyết”– Ông Việt phân trần.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đỗ Việt, Chánh văn phòng Tập đoàn Nam Cường cho rằng ít nhất khoảng 50% số người đến dự bốc thăm mua chung cư của Nam Cường thuộc giới đầu cơ.

Ông Việt giải thích đây là lần đầu tiên Nam Cường áp dụng hình thức bốc thăm nhằm tăng tính công khai, minh bạch do nhu cầu đăng ký quá lớn trong khi số lượng căn hộ có hạn. Với các loại căn hộ được thiết kế với diện tích đa dạng từ 53,8 m2; 61,6 m2; 81,1m2 đến trên 100 m2 giá dao động từ 880 đến 1.200 USD/m2 tùy tầng và vị trí.

Ông Việt thừa nhận mức giá như trên không hề rẻ chút nào nhưng vì lẽ gì mà người ta vẫn tranh nhau mua? Sức hấp dẫn của sản phẩm, theo ông Việt trước hết là do phương thức thanh toán khá dễ chịu được chia làm 7 đợt thanh toán trong vòng 3 năm, đợt đầu người mua chỉ phải nộp 20% giá trị nhà, 6 tháng sau mới phải nộp tiếp 10%.

Căn hộ chung cư của Nam Cường hút hàng còn vì lý do khách hàng được mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư chứ không phải qua bất kỳ khâu trung gian nào.

Trong bối cảnh việc mua nhà với giá gốc là điều bất khả với đại đa số người có nhu cầu, thường họ phải trả khoản tiền chênh lệch tới cả trăm triệu đồng chứ không thể mơ mua nhà giá gốc, việc mua thẳng từ tay chủ đầu tư là cái lợi thấy rõ.

Ngoài ra, quy hoạch hạ tầng đồng bộ của khu đô thị mới nằm trên trục đường Lê Văn Lương hoàn thành trước dịp đại lễ ngàn năm vào năm tới thực sự là những khu vực hứa hẹn đem lại lợi nhuận lớn trong tương lai gần...

Chóng mặt vì giá

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty TSQ Đỗ Trường cho biết 600 căn hộ tại khu đô thị mới Mỗ Lao của công ty ông trước kia bán khá chậm, nhưng chỉ vài tháng gần đây đã được đặt mua hết sạch. Bóng dáng thời bao cấp dường như đang trở lại trong việc mua bán nhà ở một số khu đô thị mới.

Thời gian qua, giới kinh doanh bất động sản vắt óc, cậy nhờ đủ kênh cốt sao lấy được suất tại khu đô thị Splendoza ở Bắc An Khánh. Mấy trăm căn biệt thự trên diện tích 50ha được chủ đầu tư là liên doanh giữa Vinaconex và Posco (Hàn Quốc) bán thăm dò với giá gốc 1.800 USD/m2, hiện nay được giao dịch ngoài thị trường với khoản tiền chênh lệch lên tới 1,5 đến 1,8 tỷ đồng/căn. Lẽ dĩ nhiên không phải ai cũng có cơ may sở hữu suất mua ở khu đất nóng bỏng nói trên.

Sức nóng trên thị trường bất động sản giờ không chỉ tập trung ở khu vực Hà Đông và phía Tây như trước mà lan sang cả khu vực phía Bắc sông Hồng. Nhất là sau khi một loạt cây cầu mới được đưa vào sử dụng hoặc sắp xây và đặc biệt sau khi có tin khu trung tâm hành chính của Hà Nội có thể sẽ được đặt ở khu vực Tây Hồ Tây.

Mấy trăm căn biệt thự tại khu đô thị mới Diamond Park ở Bắc Thăng Long hồi đầu tháng 10/2009, chủ đầu tư mới rao bán với giá trên 5 triệu đồng/m2, chỉ sau đúng nửa tháng giá này đã vọt lên 10,8 triệu đồng và nay đang được giao dịch khoảng 12 triệu đồng/m2.  Khu đô thị Eco Park tại Văn Giang, Hưng Yên cũng đang nằm trong tâm điểm của giới đầu tư.

Cách đây ít lâu, chủ đầu tư khu đô thị sinh thái được quảng cáo đầu tư tới trên 6 tỷ USD dự kiến tung ra thị trường một số lô biệt thự để thăm dò thị trường với giá từ 10 - 11 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến thời điểm này một số kênh thạo tin nói giá gốc đã được đẩy lên 17 triệu đồng và giá cuối có thể chưa chốt ở con số này.

Đầu cơ và thổi giá

Ông Đoàn Châu Phong, Phó TGĐ Vinaconex cho biết ông đã hết sức bất ngờ khi mới đây chứng kiến việc hàng trăm căn hộ của Capital Land được bán với giá dao động từ 1.500 – 1.800 USD/m2 tại khu đô thị mới Mỗ Lao, Hà Đông đã hết veo chỉ sau hai ngày chào bán.

Chính mắt ông chứng kiến một phụ nữ đã chồng tiền mua một lèo mấy căn nhà mà chẳng cần đắn đo, suy nghĩ gì nhiều. Nhiều người tung tiền mua vét cả lô, với họ dường như cứ mua được là thắng.

Có lẽ ngay chính Capital Land khi quyết định đầu tư vào lúc thị trường đang èo uột cũng không hình dung nổi cảnh tranh mua tranh bán kiểu quần ngư tranh thực như vậy.

Phó TGĐ một công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam nhận định thị trường bất động sản Hà Nội hiện nay chủ yếu đang bị thao túng bởi nạn đầu cơ.

Theo ông, thị trường nhà đất cũng giống như thị trường chứng khoán dường như có một vài nhóm rất mạnh về tài chính và nắm được thông tin đang điều chỉnh sự lên xuống của thị trường. Họ sẽ quyết định khi nào mua vào và thời điểm nào bán ra để có lợi nhất. Các đại gia này hầu như không bao giờ thua và chỉ có những nhà đầu tư nhỏ lẻ, không nắm được tình hình mới “chết”.

Thông thường các dự án hứa hẹn khi sắp có sản phẩm đã được mua gom hết từ trước bởi những người có quan hệ với chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ phát. Chính vì thế, người có nhu cầu mua nhà thật chớ mơ tưởng tới việc mua được giá gốc.

Một nguyên nhân khác khiến thị trường nhà đất sốt hầm hập là do chiến thuật bán hàng nhỏ giọt của chủ đầu tư.

Thay vì đưa hàng ra ào ạt như trước, nay họ chia ra làm nhiều đợt, mỗi lần chỉ bán một vài trăm căn nhằm tạo sự khan hiếm giả tạo. Chiến thuật này được hỗ trợ bởi những thông tin được rò rỉ một cách có tính toán làm tăng sự sốt ruột của khách hàng, kể cả người có nhu cầu thật lẫn giới đầu tư. Một số công ty không vội đưa ra giá bán chính thức của sản phẩm mà cố ý lan truyền một mức giá nhất định nhằm thăm dò sốt sắng của thị trường.

Sau khi đánh giá được độ hot của sản phẩm, họ mới đưa ra mức giá sát với mức thị trường sẵn sàng giao dịch. Khi vẫn tấp nập người mua, hàng lại ít thì chẳng dại gì lại không nâng giá. Đây được cái là một chiêu rất khôn ngoan của chủ đầu tư.

Cho dù bong bóng bất động sản có hình thành và vỡ thì cũng chưa phải thời điểm này. Thực tế không ít người vẫn đang thắng lớn và những chiêu làm xiếc của giới đầu cơ vẫn tiếp tục tạo ra cơn lốc xoáy trên thị trường.