Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường điện, xăng dầu cạnh tranh: Đường còn xa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến "Điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện".

Tham gia với tư cách khách mời, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chậm phát triển là do thiếu vốn, nên đòi hỏi cấp bách hiện nay là phải cổ phần hóa (CPH), để người tiêu dùng (NTD) chấp thuận được mỗi lần tăng giá của EVN thì cần tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” tập đoàn này.

Chưa theo thị trường vì còn khoản lỗ treo

Trả lời về cách tính giá điện trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, EVN đã nỗ lực và đã công khai chi tiết các yếu tố cấu thành giá điện. Việc tăng giá điện lần này ở mức 7,5% là phương án tăng giá thấp nhất, đã tính tới các tác động đến tăng trưởng GDP, CPI...

 
Công nhân Điện lực Hà Nội kiểm tra bảo dưỡng một trạm biến áp 110 kV trên đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy. 	Ảnh: Phạm Hùng
Công nhân Điện lực Hà Nội kiểm tra bảo dưỡng một trạm biến áp 110 kV trên đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
“Chúng tôi thấy mức độ tăng 7,5% là phù hợp với mặt bằng thay đổi thông số đầu vào, vì thông số đầu vào theo tính toán của EVN đã tăng 12,8%. Vừa qua, EVN và Bộ Công Thương cũng đã công khai các chi phí cơ bản này để người dân giám sát” - đại diện Cục Quản lý giá khẳng định.

Không đồng tình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc tính toán chi phí giá là hết sức phức tạp. “Nhận định trong kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ cho rằng, ngành điện làm ăn chưa hiệu quả. Như đầu tư ngoài ngành, năng suất lao động kém, tổn thất điện năng lớn..., mọi chi phí này đều được đưa vào giá thành. Hay nói một cách khác, những khoản lỗ do quản trị kém lại để NTD chịu thiệt” - ông Long nhấn mạnh. 
Tăng giá cao hơn tăng giá đầu vào sẽ bị xử lý
Ngày 16/3, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3315/BTC-QLG gửi UBND các tỉnh, TP yêu cầu quan tâm, chỉ đạo theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trước hết là đối với những mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, gas…; xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tăng giá đối với mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu.

Trong khi đó, cùng với đề xuất tăng giá điện, EVN có so sánh giá giữa Việt Nam và thế giới, nhưng EVN mới chỉ dựa vào giá đầu ra mà không dựa vào giá đầu vào. Ví dụ, Singapore sản xuất điện chủ yếu bằng dầu trong khi cơ cấu thủy điện của Việt Nam chiếm tới hơn 40%, hoặc mức lương hiện nay của Việt Nam không bằng các nước, cộng với các khoản bảo hiểm rủi ro… Chính vì vậy, sự so sánh giá mà EVN đưa ra là bất hợp lý.

Ông Long cho rằng, để NTD chấp thuận được mỗi lần tăng giá của EVN thì cần tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” đối với EVN và có sự tham gia của cơ quan tư vấn, độc lập, đủ chuyên môn. Về việc EVN cho rằng, giá điện thấp khó thu hút đầu tư vào ngành điện, ông Long thẳng thắn nói: “CPH là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. EVN chậm phát triển là do thiếu vốn, nên đòi hỏi cấp bách hiện nay là phải CPH”.

Theo ông Tuấn, CPH phải tính toán phù hợp theo từng thời điểm, khi nào giải quyết được những khoản lỗ treo thì mới thực hiện được giá điện theo thị trường được, từ đó tính toán các chi phí cho phù hợp. Cũng theo ông Tuấn thì EVN vẫn “gánh” số lỗ từ năm 2010 và 2011, khoản lỗ này vẫn treo để hạch toán.

Giá xăng đáng lẽ phải tăng 3.500 đồng/lít (?)

Ngoài giá điện, giá xăng cũng vừa được điều chỉnh tăng thêm hơn 1.600 đồng/lít. Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lý giải, theo Nghị định 83/2014/NĐ - CP, giá xăng dầu hiện đã vận hành theo cơ chế thị trường, do vậy nếu tính đúng thì dịp trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, giá xăng có thể tăng tổng cộng là 3.500 đồng/lít: “Tuy nhiên, để tránh cú sốc, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm chia sẻ quyền lợi DN và NTD, vừa rồi, giá xăng chỉ tăng 1.600 đồng/lít, còn 1.800 đồng/lít được sử dụng Quỹ Bình ổn”.

Nói rõ thêm, theo ông Quyền, từ tháng 7/2014, giá xăng dầu đã có 14 lần giảm giá (mức giảm trên 10.000 đồng/lít, khoảng 40%) trong khi mức tăng vừa rồi chỉ là 10%, việc tác động đến sản xuất cũng không quá tiêu cực. "Việc tăng, giảm cần nhìn trong một chu kỳ dài, làm sao điều chỉnh không sốc, nhưng theo tín hiệu thị trường, điều quan trọng là làm thế nào để tăng giá xăng không làm tăng giá các mặt hàng khác” - ông Quyền cho hay...

Trước lo ngại về việc giá xăng dầu, điện cùng tăng kéo theo giá hàng hóa khác cũng điều chỉnh tăng theo, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, ngay khi giá xăng dầu điều chỉnh theo cơ chế thị trường, điều hành giá điện tăng, Cục đã có văn bản gửi các ngành, địa phương, kiên quyết không cho điều chỉnh giá tăng theo giá điện, xăng dầu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế dự báo, dưới tác động của giá xăng dầu và giá điện, mặt bằng mới có thể sẽ được thiết lập sau khoảng 3 tháng tới khi các chi phí đầu vào tăng lên. "Ngành điện thu thêm hơn 12.000 tỷ đồng, có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế phải tăng chi thêm ngần ấy tiền cho ngành điện. Do vậy, giá điện tăng sẽ tác động cả đời sống sản xuất và mặt bằng giá thị trường thời gian tới” - ông Long bày tỏ.