Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường đồ uống Tết: Không có "sốt" giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nhu cầu của người dùng đang dần tăng cao nhưng giá cả của nhiều loại đồ uống vẫn giữ nguyên hoặc chỉ biến động nhẹ.

Nếu như ở các năm trước, những tuần sát tết Nguyên đán thường là thời điểm giá cả các loại đồ uống "nhảy múa" dữ dội cũng như khan hàng nhất thì năm nay tình hình lại hoàn toàn trái ngược. Không chỉ dồi dào về nguồn cung mà giá bán cũng chỉ biến động rất nhẹ.
Bia nội chiếm số lượng áp đảo trên gian hàng trong các siêu thị
Bia nội chiếm số lượng áp đảo trên gian hàng trong các siêu thị
Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số siêu thị như: Fivimart, Lottemart, bia Heineken đang có giá từ 360.000 đồng - 370.000 đồng/thùng, bia Tiger nằm trong khoảng 300.000 đồng - 310.000 đồng/thùng, bia Hà Nội giao động ở mức 200.000 đồng - 210.000 đồng/thùng, bia Sài Gòn vào khoảng 280.000 - 290.000 đồng/thùng... Nhìn chung mức giá của mặt hàng này chỉ tăng trong khoảng từ 5.000 đồng - 10.000 đồng so với 1 tháng trước đây.

Đại diện siêu thị Fivimart cho biết, trong khoảng 1 tuần trở lại đây nhu cầu dành cho mặt hàng đồ uống đã bắt đầu tăng cao, đặc biệt là đối với các loại bia. Về thị phần tiêu thụ, năm nay, các sản phẩm đến từ những nhãn hiệu trong nước như Tiger, Hà Nội được mua nhiều nhất. Với chất lượng được đánh giá tốt cùng mức giá phù hợp với túi tiền, riêng đối với mặt hàng bia, hàng nội đang được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn hẳn hàng ngoại. 

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nhằm tránh tình trạng thiếu hàng trong những tuần cận tết, siêu thị đã chuẩn bị từ 1 tháng trước lượng lớn hàng dự trữ, đặc biệt là những loại bia có số lượng bán ra nhiều. "Chính vì vậy, trong thời gian tới nhu cầu của người tiêu dùng sẽ được đáp ứng đầy đủ, đồng thời mức giá cho đồ uống này sẽ không tăng giá đột biến", đại diện Fivimart nói.

Sự thắng thế của bia nội cũng được ghi nhận tại các đại lý cũng như cửa hàng tạp hóa nhỏ. Theo chị Lan, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Cầu Giấy (Hà Nội), trong quãng thời gian gần đây, số lượng bia được bán ra đã tăng mạnh, trong đó chiếm tới 80% là các sản phẩm trong nước. Mặc dù bia ngoại cũng rất đa dạng về chủng loại và mức giá nhưng mặt bằng chung vẫn cao hơn bia nội, chính bởi vậy người mua thường lấy bia ngoại để làm quà tặng chứ ít khi sử dụng làm thức uống chính tại các buổi "nhậu nhẹt" dịp lễ Tết.

Hiện trên thị trường bia ngoại góp mặt khá phổ biến với nhiều nhãn hiệu lớn như Heineken (Hà Lan), Sapporo (Nhật), Budweiser (Mỹ), Chimay (Bỉ) hay Flensburger (Đức) với đủ loại từ lon đến chai, cùng mức giá giao động trong khoảng 600.000 - hơn 2 triệu đồng/thùng. Không chỉ bán đơn lẻ từng loại, các đại lý bia còn tung ra những hộp quà gồm từ 4-6 loại bia kết hợp với hình thức bắt mắt, thích hợp làm quà tặng với giá từ 800.000 - 1,5 triệu đồng/hộp.

Mặc dù có số lượng bán ra tăng mạnh so với ngày thường, nhưng theo một đại lý tại Đội Cấn (Hà Nội), nhu cầu của người tiêu dùng vẫn chỉ xấp xỉ như năm ngoái, chính vì vậy tuy mức giá bán ra có tăng nhưng đây là do hãng sản xuất chứ không phải bên bán tự điều chỉnh. Vì vậy nhiều khả năng cũng giống như năm trước, đến những ngày sát tết, giá bia có thể tăng tiếp nhưng cũng chỉ biến động nhẹ. 

Khác với bia, các loại nước ngọt như Coca Cola, Pepsi, Trà xanh 0 độ... mặc dù có số lượng bán ra dịp này cũng tăng mạnh nhưng mức giá vẫn được giữ nguyên như thời gian trước. Hiện Coca Cola đang ở mức 185.000 đồng/thùng, Pepsi có giá 160.000 đồng/thùng, Trà xanh C2 được bán ra là 117.000 đồng/thùng...
Để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công thương các địa phương, một số doanh nghiệp lớn,… chủ động điều hành sản xuất, kinh doanh phù hợp diễn biến thị trường, tránh hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Các hệ thống siêu thị lớn như Hapro, Big C... cũng cho biết đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ khá phong phú với giá trị cao hơn từ 5%-15% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, bia và nước giải khát được xếp vào danh mục hàng bình ổn giá.