Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường hoảng loạn, Dow Jones đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ năm 1987

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ vừa có thêm 'Ngày thứ hai đen tối' khi giảm hơn 12%, bất chấp hàng loạt biện pháp của Nhà Trắng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall lao dốc trong ngày 16/3, với Dow Jones ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ vụ sụp đổ thị trường “Ngày thứ Hai đen tối” năm 1987 và là phiên tồi tệ thứ 3 trong lịch sử, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa khởi động một chiến dịch kích thích tiền tệ khổng lồ để kiềm chế đà giảm tốc tăng trưởng kinh tế do sự bùng phát của dịch Covid-19
Dow Jones ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ vụ sụp đổ thị trường Ngày thứ Hai đen tối năm 1987. 
Chốt phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 2.997,10 điểm (tương đương 12,9%) còn 20.188,52 điểm. Chỉ số này đã nhanh chóng lao dốc hơn 3.000 điểm trong vài phút cuối cùng của phiên giao dịch. Chỉ số S&P 500  hạ 12% xuống 2.386.13 điểm – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018, trong khi chỉ số Nasdaq Composite rớt 12,3% xuống 6.904.59 điểm trong phiên giao dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Frank Cappelleri, giám đốc điều hành Instinet, nhận xét: “Nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại về sự lây lan của đại dịch Covid-19 và nguy cơ nó làm tê liệt kinh tế toàn cầu, bóp nghẹt doanh thu các công ty. Họ ngờ vực khả năng giới chức có chính sách hiệu quả để xoa dịu thiệt hại kinh tế, bất chấp việc FED hôm 15/3 hạ lãi suất khẩn cấp lần thứ 2 trong tháng”.
"Chúng ta không thể biết khi nào đại dịch mới tác động đầy đủ lên nền kinh tế", ông Cappelleri cho hay.
Các chỉ số chính đã chạm mức đáy trong phiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng sự bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất có thể kéo dài đến tháng 8 năm nay. Ông Trump cũng nói với các phóng viên rằng nước Mỹ “có thể” sắp bước vào thời kỳ suy thoái.
“Thị trường thất vọng sau phát biểu của ông Trump về dịch Covid-19. Nếu sự bùng phát của dịch Covid-19 kéo dài đến tháng 7 và tháng 8, điều đó có nghĩa là tăng trưởng kinh tế sẽ suy yếu trong quý II và quý III, điều này có  nghĩa là suy thoái kinh tế” - nhà chiến lược gia , Liz Young của BNY Mellon phát biểu trên kênh CNBC.
Đà giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần đã khiến Dow Jones lao dốc 31,7%, cao nhất từ trước tới nay, đưa S&P 500 cùng Nasdaq Composite rớt hơn 29% so với các mức cao kỷ lục đã xác lập hồi tháng trước. Dow Jones đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Phiên lao dốc của Dow Jones là đà giảm mạnh nhất kể từ vụ sụp đổ thị trường “Ngày thứ Hai đen tối” cách đây 3 thập kỷ, khi chỉ số này lao dốc hơn 22%. Đà sụt giảm này cũng đã vượt qua mức giảm 9,99% hôm 10/3). Đây cũng là phiên tồi tệ thứ 3 của Dow Jones từ trước đến nay, chỉ số này đã rớt hơn 13% vào cuối năm 1929.
Phiên giao dịch đã bị tạm dừng trong 15 phút ngay sau khi mở cửa khi đà giảm 8% của S&P 500 đã kích hoạt bộ “ngắt mạch”. Đây là lần thứ 3 tính từ tuần trước bộ ngắt mạch được kích hoạt. Những bộ ngắt mạch này được đưa ra bởi các sàn giao dịch để duy trì hành vi thị trường một cách có trật tự.
Động thái cắt giảm lãi suất khẩn cấp của FED cùng với thông tin cho biết Nhà Trắng đang chuẩn bị giảm thuế cho người tiêu dùng và giải cứu ngành hàng không đã khiến một số nhà đầu tư tỏ ra lạc quan hơn trên thị trường ở đầu phiên giao dịch.
Tuy nhiên, sự lạc quan này đã tan biến vào cuối phiên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo về dịch Covid-19 tại Nhà Trắng.
Trước đó, hôm 15/3, FED đã hạ lãi suất xuống mức 0, mức thấp nhất kể từ năm 2015, và đưa ra chương trình nới lỏng định lượng trị giá 700 tỷ USD. Tổng thống Trump cho biết ông “rất vui” với thông báo này.
Tuy nhiên, thông tin về sự lây lan dịch Covid-19 đã không cải thiện được tâm lý thị trường. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã tăng lên 3.774 ca với 69 trường hợp tử vong, dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho hay.
Cổ phiếu Apple hạ 12,9%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng phủ sắc đỏ, với cổ phiếu Bank of America và JPMorgan Chase đều giảm hơn 14%.
Nhóm cổ phiếu hàng không đã rút khỏi đáy trong phiên sau khi ông Trump tuyên bố Chính quyền sẽ “giải cứu ngành hàng không”. Cổ phiếu Delta chỉ giảm 6.7% sau khi rớt hơn 10%. Cổ phiếu American Airlines vọt hơn 10% sau khi lao dốc hồi đầu phiên.
Các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh lo ngại dịch Covid-19 sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế  Mỹ và kéo giảm lợi nhuận của các DN. Các nhà kinh tế tại JPMorgan nhận định tăng trưởng GDP ở mức âm trong quý I trong khi Goldman Sachs hạ mức dự báo tăng trưởng quý đầu tiên xuống mức 0,7%./.