Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường M&A Việt Nam: Nhiều yếu tố “châm ngòi” bùng nổ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp những khó khăn từ dịch Covid-19 nhưng thị trường M&A tại Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ trong năm qua. Sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường M&A bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các các thông tin mới về việc phát triển vaccine ngừa và thuốc điều trị Covid-19.

Đây là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia tại diễn đàn “M&A Việt Nam: Cơ hội trong thị trường bùng nổ”, diễn ra ngày 9/12.
Sức cầu bị dồn nén
Trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DN nhà nước. Cũng trong thời gian đó, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn thương vụ được thực hiện thành công, đạt tổng giá trị hơn 50 tỷ USD.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD. 
Toàn cảnh diễn đàn.
Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá, sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm qua bất chấp bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Họ vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, năm 2022 tới đây sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021- 2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030. Thách thức, khó khăn còn rất lớn khi đại dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp hơn, với các biến chủng mới vừa xuất hiện; kinh tế thế giới được dự báo hồi phục chưa vững chắc, không đồng đều, rủi ro và bất ổn tiếp tục gia tăng.
Ở trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng nguồn lực của Nhà nước, DN và người dân đều đang bị tiêu hao. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát một cách cơ bản để mở cửa hoàn toàn trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu cũng là những thách thức lớn…  Bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược và các giải pháp quyết liệt để khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa nền kinh tế sớm bước vào quỹ đạo hồi phục vững chắc.
Ở góc độ DN, sau 2 năm đối mặt không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh, cộng đồng kinh doanh đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ, chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành. Nhiều DN đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới…
“Tôi tin rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.
Đưa ra đánh giá về thị trường M&A của Việt Nam, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhâp xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam nhìn nhận, sau những tác động của dịch Covid-19, sẽ vẫn còn nhu cầu để xử lý nỗi đau của những ngành nghề chịu tác động trong giai đoạn vừa qua như bán lẻ, F&B, giải trí, du lịch, hàng không… Họ đã thực sự chịu tác động quá nặng nề do giới hạn việc đi lại, phong tỏa… Chắc chắc sẽ có nhiều tổn hại đến bảng cân đối kế toán. Năm 2022, chúng ta nói về việc “vá lại” những tổn thất đó trên bảng cân đối kế toán. Có nhiều tiền đầu tư trong nước và quốc tế đang tìm hướng để đổ vào các DN Việt Nam.
Điểm đến an toàn, hấp dẫn nhà đầu tư
Theo ý kiến các chuyên gia tại diễn đàn M&A, trong giai đoạn hiện nay, thị trường M&A Việt Nam giống như một chiếc “lò xo” bị dồn nén lâu ngày và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bùng nổ. Yếu tố thuận lợi khách quan đầu tiên phải kể đến là các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… đang bơm một lượng tiền khổng lồ để phục hồi kinh tế. 
Dòng vốn rẻ, dồi dào đó đang được nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư sử dụng cho các chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, hoàn thiện chuỗi giá trị, đầu tư cho các mô hình phát triển mới, vào các DN cùng dự án có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn - sẽ tiếp tục là sự lựa chọn của dòng vốn này.
Yếu tố thứ hai có thể kích hoạt thêm thương vụ M&A lớn tại Việt Nam trong năm 2022 là các FTA thế hệ mới đã được ký kết, như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)...
Liên quan đến yếu tố này, bà Võ Hà Duyên - Chủ tịch Công ty Luật VILAF - cho rằng, những hiệp định này sẽ thúc đẩy DN Việt Nam tái cấu trúc hướng tới thiết lập chuỗi giá trị, đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh… từ đó tạo cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh, trở thành chất xúc tác cho M&A tăng trưởng.
Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý cải cách thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng hoàn thiện, sẽ tạo bàn đạp vững chắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Theo đó, nhiều đổi mới, cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, thực hiện đầu tư - kinh doanh trong sửa đổi các Luật DN năm 2020, Luật Đầu tư 2020… đã có hiệu lực và đi vào cuộc sống, tạo hiệu ứng tích cực lên M&A trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đặc biệt, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đang được Chính phủ trình Quốc hội. Chương trình này không chỉ là gói kích thích phục hồi kinh tế được lượng hoá bằng vốn lớn, mà còn là việc điều chỉnh chính sách vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế, thúc đẩy cải cách kinh tế sâu, rộng hơn.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao… cam kết hỗ trợ cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Điều này đồng nghĩa, hạng mục đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ được rộng mở hơn, nhiều sự lụa chọn.
Một yếu tố khác đang trợ lực cho thị trường M&A đó là, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các DN trong nước tham gia vào M&A. Liên quan đến vấn đề này, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, nếu như trước đây M&A chủ yếu là các thương vụ của các DN FDI, thì những năm gần đây vai trò của các DN trong nước đối với hoạt động M&A đang gia tăng mạnh mẽ. Trong đó, có 5 DN trong nước năm 2021 đã tích cực với các thương vụ M&A, như: VinGroup, HPGroup, Vinamilk; Massan; Novaland. “Dự báo, M&A vẫn là xu hướng được tiếp tục của các tập đoàn lớn Vệt Nam trong tương lai” - ông Warrick Cleine khẳng định.
Theo các diễn giả đưa ra tại diễn đàn M&A, những lĩnh vực được dự báo sẽ hút các thương vụ M&A trong thời gian tới là: Ngành bán lẻ, bất động sản, tài chính-ngân hàng, năng lượng và y tế, giáo dục… Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam cũng được dự báo hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức M&A. Tất cả những yếu tố trên đang và sẽ tiếp sức giúp hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam bùng nổ trong năm 2022.
Mặc dù dự báo có sự tăng trưởng trong năm 2022 và những năm tới, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, thị trường M&A trong nước vẫn còn phải đối mặt với những thách thức liên quan đến cơ chế, chính sách. Theo đó, để hỗ trợ cho thị trường M&A có sự bứt phá, trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, bên cạnh kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đàm phán các thương vụ M&A thành công, nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng, có thêm những chính sách thuận lợi, thúc đẩy thị trường này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.