Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường nội địa: “Bệ đỡ” cho du lịch hồi phục

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, du lịch Việt Nam bắt đầu lấp ló những tia sáng sau khi nhiều điểm du lịch mở cửa đón khách.

Tuy nhiên, để ngành du lịch khôi phục trở lại, các DN cần tăng cường đầu tư khai thác thị trường nội địa thông qua các chương trình kích cầu, liên kết xây dựng, nâng cấp tour từ đón đầu làn sóng đầu tư, sẵn sàng điều kiện để đón khách quốc tế.
Cơ cấu lại thị trường nội địa

Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, các DN du lịch luôn coi thị trường nội địa là bổ trợ, thứ yếu nên không thực sự quan tâm. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhận định: Du lịch nội địa là trọng tâm của ngành trong giai đoạn hiện nay vì 100 triệu người dân trong nước đang rất mong muốn đi du lịch khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Chính vì vậy, đây là thời điểm toàn ngành cần nhìn lại hướng đi, tìm cách tiếp cận mới, thay đổi phương pháp cũng như tư duy làm du lịch để tự cứu mình cũng như để làm sống lại thị trường trong nước.
Đánh giá xu hướng, nhu cầu của khách nội địa, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, MICE (hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, triển lãm) là xu hướng phát triển mới của ngành hiện nay.
Tuy nhiên, để khai thác được loại hình này đòi hỏi DN cần chuyển sự tập trung sang chất lượng và hướng đến phát triển ngành du lịch một cách bền vững theo hướng cơ cấu lại thị trường tập trung vào khách chi tiêu cao. Đồng thời cần đa dạng hóa và làm mới sản phẩm du lịch trên cơ sở bổ sung các dịch vụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mới của các thị trường khách khác nhau. Tập trung xây dựng và hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch tầm cỡ trong nước và quốc tế theo hướng hình thành thương hiệu một số đô thị chuyên tổ chức du lịch MICE.
 Du khách tham quan Côn Đảo những ngày cuối tháng 4/2021. Ảnh: Phạm Hùng
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: Cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, đưa du lịch nội địa trở thành bộ phận chủ lực của du lịch Việt Nam, trong đó phải nắm rõ 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là, du khách có sự kỹ tính hơn trong việc chọn lọc đường tour, điểm đến an toàn và cả uy tín thương hiệu của DN đã từng tham gia tích cực trong công tác phòng dịch Covid-19. Thứ hai, du khách có nhu cầu tự đi tour thông qua DN lớn, uy tín đặt dịch vụ với nhu cầu nghỉ dưỡng cùng gia đình trong không gian thanh bình hơn là tìm đến sự náo nhiệt, đông đúc.
Tính cá nhân hoá đang ngày càng cao trong chuyến du lịch, an toàn là mối quan tâm và lựa chọn ưu tiên trước khi chọn mua dịch vụ, hàng hoá cụ thể nào đó. Vì vậy, DN cần xây dựng thương hiệu kinh doanh uy tín và hướng đến đáp ứng nhu cầu du lịch an toàn dành cho nhóm gia đình. Thứ ba là, du khách có khuynh hướng nhạy cảm với thông tin và có tâm lý sợ mất tiền đặt cọc nếu xảy ra tình huống phát sinh dịch.
Vì vậy, khách hàng thường ưu tiên tìm kiếm DN có thương hiệu, uy tín lâu năm, có sự cam kết rõ ràng về mặt tài chính, gia hạn thời gian sử dụng dịch vụ nếu xảy ra tình huống bất khả kháng do dịch bệnh sẽ còn tiếp tục kéo dài. Vì vậy, DN cần có sự cam kết và có trách nhiệm với những cam kết bằng hành động cụ thể.

Liên kết, xây dựng sản phẩm khác biệt

Muốn khai thác thị trường nội địa một cách triệt để qua đó giúp DN hồi phục, các chuyên gia cho rằng DN và các địa phương đẩy mạnh liên kết, xây dựng sản phẩm khác biệt. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho rằng, các địa phương và đơn vị lữ hành cần tập trung khai thác thế mạnh của du lịch golf, du lịch MICE, caravan (tự lái xe). Đồng thời nâng cấp các dịch vụ để khách có thể tự đặt trực tuyến các dịch vụ, thay vì đặt tour theo cách truyền thống trước đây.

Đứng ở góc độ DN du lịch, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Lê Hương chia sẻ thêm: Để hút khách, các địa phương cần đưa ra những sản phẩm phù hợp, xây dựng sản phẩm liên kết vùng đặc sắc, hấp dẫn, trong đó du lịch nông thôn là một điểm mạnh để khai thác. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình hiến kế, du lịch ẩm thực là tiềm năng lớn để thu hút khách.
Để phát huy thế mạnh này, ngoài việc phát triển du lịch ẩm thực đặc trưng của từng địa phương, cần có sự kết nối những địa phương có ẩm thực đặc sắc để hấp dẫn du khách. Hiện tại, nhiều địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch, trong đó tập trung cho dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, du lịch hè, từ đó tạo "đòn bẩy" để nhanh chóng phục hồi thị trường.

Sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi có cơ hội

Theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên, mặc dù du lịch nội địa được coi là cứu cánh ở thời điểm hiện tại nhưng về mặt doanh thu, thị trường trong nước với hơn 80 triệu khách (so với 18,5 triệu khách du lịch quốc tế) chỉ đóng góp chưa đến 40% tổng doanh thu toàn ngành. Vì vậy, việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án để thí điểm, tiến tới từng bước đón khách du lịch quốc tế trở lại là rất cần thiết.

Để mở cửa cho du lịch quốc tế nhưng không ảnh hưởng đến du khách trong nước, trước mắt ngành du lịch sẽ đón du khách đã tiêm vaccine phòng Covid-19 và tạo “hành lang” với những nước khả năng chống dịch tốt, không lây nhiễm cộng đồng và sẵn sàng mở cửa với Việt Nam.

Hiện nhiều nước đang xem xét hướng khôi phục du lịch quốc tế nhờ “hộ chiếu vaccine”, do đó Việt Nam cũng không được “chậm chân” trong lĩnh vực này. Chúng ta phải nghiên cứu, xem xét cẩn thận, nghiêm túc, đề cao sự an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết nhưng cũng phải lo phát triển. Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) chia sẻ: Nhìn vào diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới hiện nay, du lịch Việt Nam đang rất hy vọng có thể bước đầu mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ tháng 7/2021 dù mùa du lịch quốc tế ở Việt Nam thường bắt đầu vào khoảng tháng 10 hàng năm. Việt Nam lại có 2 loại thị trường nguồn là thị trường gần và thị trường xa.
Thị trường gần gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các nước ASEAN, khách gần như là đi du lịch quanh năm. Ví dụ như Nhật Bản, cao điểm du lịch của họ là tháng 3 và tháng 8, nên nếu thí điểm mở cửa có thể mở vào tháng 7 thì sẽ đón được khách thị trường này.

Mặc dù đề xuất mở cửa thị trường cho khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine”, nhưng các chuyên gia cho rằng nên thí điểm mở cửa với một vài thị trường gần nhưng phải dựa trên tình hình thực tế là đất nước họ đã khống chế được dịch Covid-19 chứ không mở cửa đại trà. Sau đó, khoảng tháng 10/2021 trở đi có thể thí điểm mở cửa thêm cho một số thị trường xa như Australia, Nga, châu Âu… Việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ ngay từ bây giờ, nếu việc chuẩn bị chưa chu đáo thì chưa nên mở cửa.
Du lịch Việt Nam phải có đủ năng lực để kiểm soát tình hình, đưa ra nhiều kịch bản để ứng phó, xử lý khi mở cửa đón khách trở lại. Ngoài ra ngành du lịch rất cần sự đồng thuận, ủng hộ, vào cuộc của các bộ ngành để việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại được diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Từ đó, du lịch Việt Nam mới không bị “chậm chân” so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Chỉ khi du lịch quốc tế và du lịch nội địa cùng trở lại đón khách hiệu quả thì ngành kinh tế du lịch mới có thể phục hồi từng bước…

"Trước đây, du lịch Việt Nam tập trung nhiều vào thị trường quốc tế, chưa quan tâm đến du lịch nội địa. Vì thế, lúc này, các địa phương, đơn vị cần cơ cấu lại thị trường nội địa, xác định rõ nhu cầu, đối tượng khách để xây dựng sản phẩm phù hợp." Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng