Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường ô tô Việt Nam 2020 đầy biến động, năm 2021 khó đoán định

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Khép lại năm 2020, thị trường ô tô Việt Nam phân chia rõ rệt ở hai gam màu sáng – tối và có thể tăng trưởng âm do tác động của đại dịch COVID-19. Dự báo về năm 2021, giới chuyên môn nhận định thị trường sẽ rất khó đoán định từ nhiều yếu tố.

Ảm đạm nhưng có nhiều điểm nhấn

Tổng quan về thị trường ô tô Việt Nam 2020 chứng kiến nhiều thăng trầm trong nửa đầu năm làm sức mua các tháng liên tiếp giảm sút trong khi nửa năm còn lại thị trường bứt tốc tăng trưởng.
Theo đó, trong nửa đầu năm 2020 dịch COVID-19 bùng phát phủ “bóng đen” lên toàn cầu, Việt Nam phải giãn cách xã hội, hàng loạt đại lý đóng cửa. Nhiều nhà máy như Ford, Toyota, TC Motor, Honda… phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch. Do đó, doanh số bán xe của các đơn vị thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 107.183 xe, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Bức tranh sáng của thị trường ô tô Việt Nam 2020 chính là cuối tháng 6, Chính phủ cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, phí trước bạ đối với ô tô “nội” giảm từ 15 triệu đến gần 300 triệu đồng, tùy dòng xe và thương hiệu.
 Dây chuyền lắp ráp xe Mazda của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải trong Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: TTXVN
Chính việc giảm 50% lệ phí trước bạ này cho xe “nội” khiến các nhà nhập khẩu ô tô “ngoại” buộc phải giảm giá tương ứng để cạnh tranh, thậm chí có mẫu xe giảm đến 100% phí trước bạ, tương đương với mức giảm từ vài trăm triệu gần 900 triệu đồng… giúp thị trường ô tô Việt Nam nửa cuối năm doanh số bán xe tháng sau cao hơn tháng trước.
Cụ thể, trong tháng 9/2020, thị trường ô tô Việt Nam đạt doanh số 27.252 xe, tăng 32%; tháng 10 đạt 33.254 xe, tăng 22% và tháng 11 đạt con số kỷ lục trong năm với 36.359 xe được tiêu thụ, tăng 9% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2020 các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 248.768 xe các loại, giảm 14% so với cùng kì năm ngoái, bình quân mỗi tháng tiêu thụ 22.615 xe.
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, con số trên chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam bởi còn có sự tham gia của các thương hiệu Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo… là đơn vị thành viên VAMA, nhưng không tiết lộ doanh số bán hàng.
Chỉ tính riêng TC Motor – đơn vị không phải là thành viên VAMA có doanh số bán 68.062 xe; VinFast cũng có doanh số bán hơn 30.000 xe. Nếu cộng cả 3 báo cáo chính thức từ VAMA, TC Motor và VinFast, thị trường ô tô Việt Nam 11 tháng năm 2020 tiêu thụ khoảng 346.830 xe, bình quân 31.530 xe/tháng. Với doanh số bán này, cùng với tháng cuối cùng của năm người dân tranh thủ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ để mua xe, ước tính cả năm 2020 Việt Nam tiêu thụ trên 380.000 xe, giảm khoảng 20.000 xe so với năm 2019.
Mặc dù vậy, điểm đáng chú ý ở thị trường ô tô Việt Nam 2020 là bên cạnh việc TC Motor luôn có nhiều mẫu xe bán chạy nhất thị trường hàng tháng, thì trong 11 tháng qua đơn vị này đã vươn lên vị trí dẫn đầu toàn thị trường khi đạt doanh số 68.062 xe, bỏ xa con số 59.394 xe cùng thời điểm của liên doanh Toyota – đơn vị những năm trước luôn dẫn dắt thị trường về doanh số.
Thêm điểm nhấn là thương hiệu xe nội VinFast chỉ sau gần 2 năm tham gia thị trường với 3 sản phẩm nhưng đã tạo nên điểm sáng trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi hàng tháng có sản phẩm lọt vào Top 10 ô tô bán chạy nhất; trong đó mẫu xe cỡ nhỏ Fadil là đại diện nổi bật trong vị thế dẫn đầu phân khúc.
Bên cạnh đó, dù đạt doanh số khiêm tốn 31.350 xe trong 11 tháng qua, nhưng Kia Việt Nam thuộc Thaco quản lý lại là thương hiệu đầu tiên lắp ráp ô tô ở Việt Nam xuất khẩu “ngược” xe du lịch Kia Soluto, Cerato và Sedona sang Myanmar và Thái Lan - trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á.
Cũng do đại dịch COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử, các hãng xe BMW, Audi, Honda ở Việt Nam… đã ra mắt xe mới dưới hình thức trực tuyến. Đặc biệt, sân chơi lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chính là triển lãm ô tô thường niên vào tháng 10 (Vietnam Motor Show) được các hãng lựa chọn để ra mắt xe mới nhưng đã bị hủy sau 15 năm liền tổ chức.
Tổng quan về thị trường ô tô Việt Nam 2020, đại diện VAMA cho rằng, bên cạnh việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19 thì chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước của Chính phủ cùng hàng loạt khuyến mại của doanh nghiệp đã kích cầu được doanh số bán hàng, đặc biệt là dòng xe lắp ráp trong nước.
Điều này thể hiện rõ hơn ở doanh số trong 11 tháng qua của VAMA tính theo nguồn gốc xe, trong khi xe lắp ráp trong nước chỉ giảm 7% thì xe nhập khẩu giảm đến 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2020, sức tiêu thụ tại thị trường ô tô Việt Nam có thể giảm cao hơn mức dự đoán 15% hồi đầu năm.
Năm 2021 khó đoán định
Dự báo về thị trường ô tô Việt Nam 2021, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách VAMA nhận định, thị trường rất khó đoán định khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ kết thúc sẽ khó kích cầu thị trường, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước như hiện nay, các doanh nghiệp và người lao động tiếp tục thắt chặt chi tiêu.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An - doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ô tô cho rằng, năm 2021 nếu thị trường ô tô vẫn trầm lắng, để duy trì doanh số bán hàng, rất có thể nhiều hãng xe vẫn tiếp tục có chính sách ưu đãi riêng cho khách hàng.
Điều này cũng vừa được VinFast công bố, trước việc cung không đủ cầu của mẫu xe Fadil, hãng tiếp tục gia hạn ưu đãi “Trước bạ 0 đồng” cho những xe Fadil đặt cọc trong năm 2020 nhưng nhận xe trong năm 2021. Hay, chính sách đổi cũ lấy mới các mẫu xe VinFast Lux SA2.0, Lux A2.0 và Fadil, VinFast cũng tặng 50 triệu, 30 triệu và 10 triệu đồng tương ứng với các mẫu xe này cũng góp phần thúc đẩy doanh số bán xe mới của doanh nghiệp.
Liên quan đến thị trường và giá xe, ông Hiếu cũng cho rằng, hiện có đến 80% linh kiện cho sản xuất xe ô tô phải nhập khẩu dẫn đến chi phí sản xuất trong nước cao hơn các nước trong khu vực từ 10-20% do sản lượng thấp, làm giảm tính cạnh tranh của xe, trong khi nhập khẩu xe nguyên chiếc ở khu vực về chỉ chiếm 5% chi phí xe.
Để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành ô tô, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công các sản phẩm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô.
Đặc biệt, với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ô tô nhập khẩu từ châu Âu đang chịu thuế suất 70%, Việt Nam cắt giảm thuế nhập nhập khẩu ô tô từ EU bình quân khoảng 7% và sau 10 năm thuế sẽ về 0%, nhiều người cho rằng người tiêu dùng trong nước có thể mua xe châu Âu với chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Vĩnh Nam, với tỷ lệ giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định EVFTA giá xe nhập khẩu về giảm ngay cũng không nhiều do lộ trình kéo dài và thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với ô tô nhập khẩu được tính trên giá bán của nhà nhập khẩu (tức là tính trên cả lợi nhuận của doanh nghiệp).
Điều chuyên gia Vĩnh Nam nói không phải không có lý khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (AFTA), từ đầu năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0%, giới chuyên môn dự kiến giá xe sẽ giảm từ 20 - 25%, nhưng thực tế giá xe đã không giảm như vậy. Các doanh nghiệp như Toyota, Honda, Ford... có lượng xe nhập khẩu chủ lực từ ASEAN đều lý giải do phải điều chỉnh chi phí, bán lỗ trước đó hay bổ sung các trang thiết bị cho xe mới.