Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội cũng đặt ra những thách thức. Nhìn thẳng vào những hạn chế, kiến nghị, đề xuất những giải pháp cụ thể là những nội dung mà Hội thảo khoa học cấp TP “Cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội” diễn ra ngày 22/9 tập trung thảo luận. Hội thảo cũng góp phần tổng kết nhiệm kỳ 5 năm (Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV); tham vấn chính sách, đóng góp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, cùng cả nước thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.
Nhìn thẳng vào những thách thức
AEC được thành lập đồng nghĩa với việc một thị trường lớn với hơn 600 triệu dân chính thức được mở cửa với các quốc gia thành viên. Hiện, thị trường ASEAN là bạn hàng lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU. Hơn 10 năm qua (2003 - 2014), tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng hơn 2 lần từ 9 tỷ USD (2003) lên 19,6 tỷ USD (2014). Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN cũng thay đổi chuyển dần từ các sản phẩm xuất khẩu thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Rất nhiều cơ hội nhưng đó cũng là dịp để nền kinh tế trong nước nói chung và Hà Nội nói riêng trước sức ép cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện để các DN vươn lên mở rộng đầu tư, phạm vi kinh doanh… Thực tế hội nhập trong những năm qua cho thấy, mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng kinh tế Hà Nội vẫn bộc lộ những hạn chế. Theo TS Nguyễn Thành Công - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, mặc dù có sự chuyển biến tích cực trong thời gian qua nhưng Hà Nội vẫn chưa tạo được sự đột phá về chất cần thiết trên các mặt chủ yếu: Quan hệ sản xuất và quản lý, lực lượng sản xuất và cơ sở vật chất - kỹ thuật, trình độ ứng dụng KHCN và năng suất lao động của nền kinh tế Thủ đô còn thấp. Động lực chính cho tăng trưởng hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào các yếu tố vốn, lao động - những yếu tố giúp tăng năng lực sản xuất về chiều rộng, thiên về “cung” chưa chú ý đến “cầu” và các yếu tố đảm bảo phát triển bền vững. Công nghệ sản xuất nhìn chung còn lạc hậu so với thế giới và khu vực. Chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng kết hợp với tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế triển khai chậm. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội có nhiều mặt hạn chế, yếu kém...
Không chỉ nhìn thấy cơ hội, những hạn chế, yếu kém trên cũng được Đảng bộ và các cấp chính quyền TP đã và đang đề ra các biện pháp tổng thể, đồng bộ nhằm từng bước khắc phục nhằm tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế để hội nhập.
Gắn hội nhập với phát triển bền vững
Quan điểm mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế của Hà Nội đã được thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XIII, XIV, XV, trong đó xác định: “Tăng cường hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở mở rộng và tham gia ngày càng sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế”. Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP, UBND TP Hà Nội đã thành lập Ban Hội nhập quốc tế và đã xây dựng Chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế của TP đến năm 2020, trong đó đã đưa ra mục tiêu, định hướng và phân công, phân cấp nhiệm vụ cho từng sở, ngành, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, mặc dù những năm gần đây do các tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng nhìn chung giá trị xuất khẩu của Hà Nội vẫn duy trì tương đối ổn định. Nếu năm 2008, tổng giá trị xuất khẩu của Hà Nội đạt 6,9 tỷ USD đến năm 2014 đạt 10,6 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa cũng có những chuyển dịch theo hướng giảm dần các mặt hàng nguyên liệu thô, có giá trị gia tăng thấp sang các mặt hàng công nghiệp, chế biến có giá trị gia tăng cao... Hiện nay, Hà Nội có 11 mặt hàng xuất khẩu, có quan hệ thương mại với 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Nga, SNG, Đông Âu, Trung Quốc, các nước châu Âu, Hà Nội còn mở rộng thị trường sang Hoa Kỳ, Đông Bắc Á, ASEAN, các thị trường mới châu Phi, Nam Mỹ, Trung Cận Đông.
Triển khai Chương trình hành động của TP thực thi các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hà Nội cũng đang tích cực tham gia hình thành và phát triển có hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế với các nước trong khu vực, các TP lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực về công nghệ cao; Hình thành cơ sở, trung tâm hợp tác nghiên cứu công nghệ cao; Các dự án hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các DN trên địa bàn với các DN các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế về công nghệ cao… tiếp tục là những định hướng trong phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội theo hướng bền vững, tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế trong nước nói chung và Hà Nội nói riêng trong quá trình hội nhập.
Sản xuất hàng tại Công ty TNHH Toho Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
|