Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường sau Tết: Sức tiêu thụ kém

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện, hầu hết các chợ và điểm buôn bán trên địa bàn Hà Nội bắt đầu hoạt động trở lại. Tại các chợ, giá thực phẩm đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, sức mua vẫn không cao.

Hàng hóa dồi dào

Một, hai ngày sau Tết, giá nhiều mặt hàng rau xanh, thực phẩm tăng mạnh nhưng khảo sát tại một số chợ như chợ Khâm Thiên, Hôm, Kim Liên, Thành Công…, giá cả hiện đã trở lại như bình thường. Su hào, bắp cải ở mức 3.000 - 4.000 đồng/củ, cái; cải cúc: 4.000 đồng/mớ... Các loại rau cải như cải xanh, cải xoong giữ giá như ngày thường, chỉ 3.000 – 4.000đồng/mớ. Rau xà lách, rau thơm: 20.000 - 30.000đồng/kg. Cà chua, cà rốt cũng chỉ 6.000 - 10.000đồng/kg. Thời tiết nắng nóng nên giá rau xanh chỉ tăng vài ngày sau Tết, sau đó đã ổn định trở lại. Giá các loại thịt, cá cũng ổn định: Sườn lợn là 90.000 - 100.000 đồng/kg, nạc vai 90.000 - 100.000 đồng/kg... Các siêu thị tại Hà Nội như Big C, Metro, Fivimart... cũng đã mở cửa hoạt động bình thường. Bên trong siêu thị, các mặt hàng vẫn phong phú, đa đạng như thời điểm trước Tết. Hầu hết giá các mặt hàng được niêm yết bằng giá trước Tết.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C.            Ảnh: Nguyễn Duy
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Nguyễn Duy
Hàng hóa sau Tết khá dồi dào, nhưng sức mua chưa tăng cao do nhiều gia đình dự trữ thực phẩm trước Tết. Theo ghi nhận của phóng viên, tại siêu thị và các đại lý bán lẻ ở Hà Nội, khách mua hàng còn thưa thớt. Siêu thị Big C Thăng Long tuy hàng hóa phong phú với giá bán giữ ổn định như trước Tết nhưng vẫn chưa có nhiều khách mua. Phần lớn khách hàng lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm tươi sống.
Tại các siêu thị, ngay sau khi tổ chức các chương trình khuyến mại trước Tết, kể từ ngày 1/3 sẽ lại bước vào cuộc đua giảm giá, đón đầu Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Tại Big C, Hapro, Vinmart…, các mặt hàng mỹ phẩm, may mặc, trang sức, điện tử, gia dụng đều có khuyến mãi, quà tặng. Trong đó, nhóm hàng điện máy có ưu đãi giảm giá đến 30%. Riêng nhóm đồ chơi trẻ em được kích cầu với mức giảm giá 20 - 50% kèm quà tặng cho khách mua hàng. Các cửa hàng kinh doanh đồ trang sức, thời trang, điện thoại… cũng mạnh tay giảm giá trong dịp này.
Các mặt hàng đồ khô, bánh kẹo, sữa... hầu như không có khách mua. Một số trung tâm thương mại tuy đã mở cửa nhưng còn nhiều gian hàng trống. Việc các mặt hàng thực phẩm, đồ dùng sau Tết Nguyên đán có sức tiêu thụ kém không phải là điều đáng ngạc nhiên khi nền kinh tế còn khó khăn, đặc biệt, trước và trong Tết, người dân đã tiêu tốn một khoản chi phí khá lớn.

Hoa quả đắt khách

Ra Giêng, người dân thường có thói quen đi lễ tại đền, chùa để cầu an, giải hạn, cầu lộc, cầu duyên… Theo đó, trong bức tranh mua bán ế ẩm chung, chỉ có các quầy hàng phục vụ cho việc đi lễ như hoa quả, hương hoa, vàng mã... luôn nhộn nhịp. Chị Hồng – bán hàng tại chợ Phùng Khoang cho hay: “Tôi mở hàng sáng mồng 2 Tết và lượng người mua không ngớt. Năm nào khách cũng nhộn nhịp cho đến hết tháng Giêng. Người mua ít vài chục ngàn, nhiều thì vài trăm ngàn, thậm chí tiền triệu”.

Sức mua tăng kéo theo giá các mặt hàng này vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể như: Thanh long có giá 50.000 đồng/kg, ổi: 35.000 đồng/kg, xoài: 45.000 đồng, cam Canh: 80.000 – 100.000 đồng/kg tùy loại, bưởi da xanh: 80.000 đồng/kg… Ngoài ra, các mặt hàng phục vụ cho cúng lễ như gà ta làm sẵn: 150.000 - 160.000 đồng/kg; tôm sú (26 - 30 con/kg): 450.000 - 500.000 đồng/kg. So với thời điểm trước Tết, giá thịt gà và hải sản vẫn cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương nhận định, phải sau Rằm tháng Giêng, giá những mặt hàng này mới ổn định trở lại.

Sau Tết, giá một số dịch vụ cũng rủ nhau “ăn theo”, như các dịch vụ làm đẹp cho phụ nữ, dịch vụ giặt ủi, giữ xe, rửa xe… Theo khảo sát, trong và sau Tết, các dịch vụ này đã tăng giá gần gấp đôi so với ngày thường. Trong những ngày qua, giá dịch vụ tại một số bãi giữ xe ở trung tâm cũng đã tăng lên gấp nhiều lần so với quy định. Lợi dụng ngày đầu xuân năm mới, những bãi trông xe tự phát “chặt chém” khách du lịch và người dân đi chơi dịp Tết. Hầu hết người dân đi chơi, đi lễ chùa đầu năm đều có tâm lý ngày đầu năm không thích đôi co tranh luận, vì vậy, các điểm trông giữ xe cứ mặc sức tận thu.