Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường tiền tệ: Tín hiệu lạ trong tỷ giá ngân hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu tháng 4, khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ bắt đầu bị khống chế ở mức 3%, Hiệp hội Ngân hàng đã gửi văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước dự kiến trước tình huống và có giải pháp hỗ trợ thanh khoản nếu các ngân hàng thương mại phải chi nhiều tiền đồng để mua ngoại tệ.

KTĐT - Từ đầu tháng 4, khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ bắt đầu bị khống chế ở mức 3%, Hiệp hội Ngân hàng đã gửi văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước dự kiến trước tình huống và có giải pháp hỗ trợ thanh khoản nếu các ngân hàng thương mại phải chi nhiều tiền đồng để mua ngoại tệ.

Theo dõi bảng yết giá mua, giá bán đôla Mỹ tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước suốt hai tuần qua, một chuyên gia lão làng trong ngành thốt lên: "Có thể nhầm lẫn, hoặc đang đánh đố ngân hàng thương mại".









Khoảng cách giữa giá mua vào của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào (tỷ giá mua SBV) với giá mua vào tại Ngân hàng Vietcombank (tỷ giá mua VCB) đang dần thu hẹp

Biểu đồ diễn biến tỷ giá mua vào của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào (tỷ giá mua SBV) và giá mua vào tại Ngân hàng Vietcombank (tỷ giá mua VCB) cho thấy các ngân hàng rất khó bán đôla cho Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã phát tín hiệu mới vào hôm nay, đẩy mạnh giá mua vào thêm hơn 200 đồng và cao hơn giá mua vào của các ngân hàng thương mại 180 đồng.

Từ giữa tháng tư đến nay, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước liên tục nới rộng biên độ giao dịch, giữ giá mua vào ở mức sàn và bán ra kịch trần. Theo đó, các ngân hàng thương mại nếu muốn bán đôla cho Ngân hàng Nhà nước chỉ được hưởng giá thấp hơn nhiều so với mức mà ngân hàng mua từ khách hàng. Lúc cao điểm, nếu bán cho Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải chịu lỗ trên 400 đồng.

Biểu đồ diễn biến tỷ giá bán ra của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (tỷ giá bán SBV) và giá bán ra của Ngân hàng Vietcombank (tỷ giá bán VCB) cũng cho tín hiệu lạ.
Biểu đồ diễn biến tỷ giá bán ra của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (tỷ giá bán SBV) và giá bán ra của Ngân hàng Vietcombank (tỷ giá bán VCB) cũng cho tín hiệu lạ. Giá các ngân hàng bán cho khách còn rẻ hơn nhiều so với giá mua từ Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, nếu mua của Ngân hàng Nhà nước rồi bán lại cho khách, các ngân hàng thương mại cũng phải chịu cảnh mua đắt, bán rẻ và mức lỗ cũng từ vài chục đến cả trăm đồng.

Diễn biến này trùng khớp với giai đoạn nguồn cung đôla dồi dào hơn, tỷ giá liên ngân hàng (mốc tham chiếu để các ngân hàng được ấn định tỷ giá mua bán của mình) liên tục đi xuống, từ đỉnh cao 20.733 đồng xuống 20.693 đồng. Giá giao dịch thực tế của các ngân hàng và báo giá của các cửa hàng thu đổi tự do đang lén lút hoạt động cũng giảm mạnh, từ mức gần 21.000 đồng xuống dưới 20.600 đồng ăn một đôla.

"Tôi thấy ngờ ngợ với giá của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Để thế thì ngân hàng thương mại làm sao mua bán được với Ngân hàng Nhà nước?", một chuyên gia từng là lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước thắc mắc.

Theo phân tích của vị chuyên gia này, trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò người mua cuối cùng, nếu ngân hàng thương mại không hấp thụ hết lượng đôla mua từ khách hàng, họ phải bán được cho Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo dòng tiền luân chuyển hợp lý. Ngược lại, nếu ngân hàng không mua đủ lượng đôla để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, họ có thể "gõ cửa" Ngân hàng Nhà nước để mua.

Một số ngân hàng thương mại cho biết trạng thái ngoại tệ của họ đang dương, nhưng họ không thể bán lại cho Ngân hàng Nhà nước vì giá quá thấp. Đoán già đoán non rằng Ngân hàng Nhà nước để giá như vậy do sợ phải chi tiền đồng ra mua đôla, nhưng họ lo tình hình cứ kéo dài thì thanh khoản tiền đồng vốn đã khó khăn sẽ càng căng thẳng hơn.

Từ đầu tháng 4, khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ bắt đầu bị khống chế ở mức 3%, Hiệp hội Ngân hàng đã gửi văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước dự kiến trước tình huống và có giải pháp hỗ trợ thanh khoản nếu các ngân hàng thương mại phải chi nhiều tiền đồng để mua ngoại tệ.

Theo kịch bản mà Hiệp hội lường trước, khi lãi suất giảm, lợi tức nắm giữ tiền đôla giảm theo, sẽ khiến người dân và doanh nghiệp tăng cường bán đôla cho ngân hàng. Nếu thuận lợi, người dân và doanh nghiệp sau khi bán đôla sẽ đem tiền đồng gửi vào ngân hàng, khi đó sẽ không lo thiếu vốn tiền đồng. Nhưng trong tình huống kém lạc quan, vốn tiền đồng đó sẽ được người dân và doanh nghiệp đem đầu tư vào kênh khác ngoài ngân hàng, chẳng hạn như bất động sản, thì thanh khoản ngân hàng sẽ càng khó khăn hơn.

Giải pháp Hiệp hội Ngân hàng đề xuất chính là cho phép các ngân hàng thương mại được hoán đổi (Swap) ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước. Với phương án này, Ngân hàng Nhà nước có thể bơm tiền đồng ra để hút đôla rồi đến khi đáo hạn hợp đồng hoán đổi lại thu tiền đồng về. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa tăng dự trữ ngoại hối với giá hợp lý mà không phải quá lo lắng về chuyện tăng cung tiền ra nền kinh tế.

Các ngân hàng lo cung đôla tăng có thể khiến vốn tiền đồng càng thêm căng thẳng. Ảnh: Hoàng Hà
Các ngân hàng lo cung đôla tăng có thể khiến vốn tiền đồng càng thêm căng thẳng. Ảnh: Hoàng Hà

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước có nên mua đôla vào lúc này hay không là một việc không dễ dàng để ra quyết định. Bởi cơ quan này đang theo đuổi mục tiêu khống chế tín dụng, giảm cung tiền đồng ra lưu thông để chống lạm phát.

"Mua đôla vào đồng nghĩa với việc phải chi tiền đồng ra. Bài học vội vàng mua đôla năm 2007-2008 còn đó, nên Ngân hàng Nhà nước không thể hấp tấp trong thời gian này", một chuyên gia của chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright bình luận.

Theo chuyên gia Fullbright, mua đứt hoặc cho các ngân hàng Swap ngoại tệ, hay thậm chí chào bán giấy tờ có giá để hút ngoại tệ chưa phải là giải pháp trị bệnh tận gốc.

"Hệ thống ngân hàng đang chịu những căng thẳng không đáng có do chính sách tín dụng bị siết một cách đại trà, thiếu sự phân biệt, chọn lọc", vị chuyên gia này nói.

Theo ông, vấn đề lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng hiện nay là thiếu thanh khoản, do không được đáp ứng đủ nguồn vốn tiền đồng. Nhưng mức độ thiếu thanh khoản không như nhau ở tất cả các ngân hàng, mà chủ yếu tập trung ở những ngân hàng quy mô nhỏ có tỷ lệ cho vay phi sản xuất cao.

Vì vậy, ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần phân loại các ngân hàng theo tiêu chí thanh khoản. Với những ngân hàng khó khăn, thể hiện ở việc họ chấp nhận huy động lãi suất vượt trần, thậm chí trên 20%, Ngân hàng Nhà nước có thể bơm tiền cho họ nhưng phải giám sát đặc biệt, không để rủi ro của họ ảnh hưởng tới cả hệ thống.

"Còn ngân hàng thanh khoản dồi dào, không nên bóp nghẹt họ ở mức tăng trưởng tín dụng 20%. Hạn chế tăng trưởng 20% là một liều thuốc đắng, nếu cứ áp dụng cho tất cả các ngân hàng, thì anh khỏe sẽ trở nên ốm yếu, còn anh yếu cũng không thể khỏi bệnh", vị chuyên gia Fullbright phân tích.

Theo ông, khi thanh khoản tiền đồng được khơi thông, Ngân hàng Nhà nước có thể rảnh tay hơn để mua ngoại tệ và tăng dự trữ.

Chia sẻ quan điểm này, một chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cảnh báo tỷ giá giảm những ngày qua chỉ là tín hiệu lạc quan trong ngắn hạn, chưa gây ra những dịch chuyển quá lớn. Vì vậy, theo ông, Ngân hàng Nhà nước thận trọng khi quyết định có mua đôla vào hay không là điều nên làm.

"Các yếu tố nền tảng của ta chưa vững, lạm phát vẫn cao, nhập siêu lớn, cán cân thanh toán thâm hụt và tiền đồng vẫn chịu áp lực mất giá. Trong khi đó, thị trường thế giới còn bất ổn, vẫn có nguy cơ diễn ra các cú sốc về giá", ông nói thêm.

Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra bất cứ thông điệp chính thức nào lý giải cho cách đặt giá tại Sở Giao dịch thời gian qua. Nhưng một nguồn tin từ cơ quan này nhận định tổng thể thị trường đang tốt và Ngân hàng Nhà nước chưa ra tay can thiệp.

"Ngân hàng Nhà nước chưa mua vào chứ không phải là không mua hay không muốn mua đôla từ các ngân hàng", nguồn tin này nói.

Nếu vẫn giữ thái độ "thờ ơ" với đôla như nửa tháng qua, lẽ ra sáng nay Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chỉ niêm yết giá mua ở mức sàn 20.491 đồng. Nhưng tín hiệu mới đã được phát đi, cơ quan này nâng giá mua lên tới 20.700 đồng, cao hơn hôm qua tới 214 đồng một đôla.