Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường tôn mạ mầu: Cân nhắc áp thuế tự vệ

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nghiệp (DN) tôn mạ mầu trong nước đang kêu cứu vì phải đối mặt với tôn Trung Quốc và một số vùng lãnh thổ khác nhập khẩu với số lượng lớn vào Việt Nam.

Tuy nhiên Bộ Công Thương nên nhìn nhận khách quan và đầy đủ, kỹ lưỡng trước khi áp thuế tự vệ theo yêu cầu của các DN trong nước.

Tôn Việt dưới sức ép cạnh tranh với tôn nhập ngoại

Hiện cả nước có khoảng 15 DN quy mô lớn và một số cơ sở sản xuất tôn mạ màu với tổng năng lực sản xuất lên đến gần 1,9 triệu tấn, thế nhưng tiêu thụ nội địa chỉ gần 740.000 tấn, dư thừa trên 250%. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu tôn mạ phủ màu Trung Quốc tăng đáng kể. Cụ thể, trong năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là 1.745.950 tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 37% và sản xuất trong nước chiếm 63%, năm 2016 kim ngạch nhập khẩu tôn mạ màu lên đến gần 500.000 tấn. Đại diện Công ty sản xuất và kinh doanh Minh Đức (khu làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì), một trong những DN tiêu thụ sản phẩm tôn mạ mầu cho biết: Tôn mạ mầu Trung Quốc dung cho xây dựng luôn có giá thấp hơn tôn Việt Nam khoảng 30 - 31 %. Giá rẻ nên sức tiêu thụ tôn Việt Nam cũng giảm.

Sản xuất tôn màu tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh. Ảnh:  Trần Việt

Cần cân nhắc áp thuế tự vệ

Trước thực trạng tôn mạ mầu nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc và các nước khác vào Việt Nam, nhằm bảo vệ hàng sản xuất trong nước, một số DN tôn mạ mầu đã quyết định khởi kiện yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ để cứu ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh với tôn ngoại.

Việc các DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực tôn mạ mầu khởi kiện yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ, bảo vệ hàng sản xuất trong nước là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra Bộ Công Thương cần cân nhắc bởi nếu áp thuế tự vệ chưa phù hợp hoặc ở mức độ cao có thể sẽ khiến người tiêu dùng, DN sử dụng tôn mạ mầu phải mua hàng giá cao. Theo ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam: Mặc dù công suất của các DN sản xuất tôn mạ mầu đã vượt nhu cầu thị trường, thế nhưng sản phẩm này chủ yếu phục vụ thị trường xây dựng, chưa đáp ứng được nhu cầu cho các chuyên ngành nâng cao như sản xuất đồ gia dụng, vỏ thiết bị điện tử gia dụng. Đây là một trong những lý do khiến các DN phải nhập khẩu tôn mạ mầu Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, DN sản xuất tôn mạ mầu Việt Nam quy mô nhỏ vẫn đang phải đối mặt với sự canh tranh của một số DN có quy mô lớn. “Nếu Bộ Công Thương áp thuế tự vệ cao, lượng tôn nhập khẩu giảm sẽ tạo cơ hội cho DN quy mô lớn ngày càng phát triển còn DN quy mô nhỏ vẫn tiếp tục lẹt đẹt, thua lỗ. Và trong quá trình đó, chịu thiết thòi nhiều nhất không chỉ có DN trong nước mà còn là người tiêu dùng khi phải mua hàng giá cao” - ông Đào Phan Long phân tích.

Thực tế trên cho thấy, khi xem xét việc áp thuế tự vệ, Bộ Công Thương nên cân nhắc mức độ áp thuế sao cho phù hợp với DN sản xuất và DN nhập khẩu. Bên cạnh đó, chính bản thân ngành thép không nên chỉ sản xuất tôn mầu phục vụ xây dựng, cũng như trông chờ vào sự bảo hộ của nhà nước, mà nên đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất tôn mầu chuyên ngành nâng cao, qua đó góp phần giảm nhập khẩu tôn mầu từ một số thị trường.