Giảm hơn 200.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua dù giá vàng thế giới giữ đà tăng, giá vàng trong nước sáng nay 15/9 về ngưỡng 47 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, trong tuần này, vàng miếng đã đắt thêm 750.000 đồng/lượng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Các thương hiệu vàng miếng trong nước sáng nay giảm hơn 300.000 đồng so với sáng qua. Theo đó, báo giá trên website của PNJ lúc 8h15 là 46,80-47,17 triệu đồng mỗi lượng (mua vào - bán ra).
Tập đoàn DOJI lúc 8h53 niêm yết giá mua vào - bán ra vàng miếng SJC lẻ ở mức 46,85-47,05 triệu đồng, giảm trên dưới 300.000 đồng so với sáng hôm qua. Trong khi đó, giá bán buôn của đơn vị này dao động quanh 46,87-47,03 triệu đồng. Nếu so với đầu tuần, mức giá hiện nay đắt hơn khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng.
Lúc gần 10h trưa nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Tp.HCM ở mức 46,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng của doanh nghiệp này hiện giảm 240.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên tại Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý thông báo mua vào vàng SJC ở mức 46,83 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 47 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu giao dịch vàng Rồng Thăng Long ở các mức giá tương ứng lần lượt là 43,75 triệu đồng/lượng và 44,05 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với vàng SJC, giá vàng Rồng Thăng Long đang thấp hơn tới gần 3 triệu đồng/lượng. Vàng Rồng Thăng Long đang ngang giá với vàng nguyên liệu 9999. Chẳng hạn, Công ty Phú Quý đang niêm yết giá vàng 9999 ở mức 43,6 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 44 triệu đồng/lượng.
Sáng nay là ngày cuối tuần nên các đầu mối doanh nghiệp lớn ngừng giao dịch. Tại các hiệu vàng nhỏ lẻ, hoạt động mua bán khá trầm lắng.
Vàng thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trong đêm qua tại New York. Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tăng 3,3 USD/oz, chốt tuần ở mức 1.771,5 USD/oz.
Tuần này, giá vàng giao ngay tăng thêm 2%, sau khi tăng được 2,6% trong tuần trước. Theo hãng tin Reuters, đây là tuần tăng giá thứ tư liên tục của vàng thế giới, chuỗi tăng giá dài nhất của kim loại này kể từ tháng 1 trở lại đây. Hiện vàng đang ở vùng giá cao nhất trong vòng 6 tháng.
Nếu quy đổi với tỷ giá 20.870, mỗi lượng vàng quốc tế lúc chốt phiên tương đương 44,55 triệu đồng (chưa gồm các loại phí). Như vậy, khoảng cách giữa hai thị trường trong và ngoài nước hiện duy trì quanh 2,4-2,7 triệu đồng.
Dự đoán về giá vàng tuần tới, theo khảo sát của Kitco.com, trong số 29 người tham gia trả lời phỏng vấn, gồm các chuyên gia, nhà đầu tư... có 24 ý kiến cho rằng giá tăng, 1 người nhìn nhận giá giảm và 4 giữ quan điểm trung lập.
Về lý thuyết, chính sách tiền tệ lỏng lẻo có thể tạo đà cho lạm phát. Khi lạm phát tăng, giới đầu tư sẽ mua vàng để bảo đảm giá trị tài sản.
Các nhà giao dịch vàng trên sàn COMEX ở Mỹ cho biết, tâm trạng của giới đầu tư hiện rất tích cực, nhất là sau khi FED tung QE3.
Tuy nhiên, nhà phân tích kim loại quý Edel Tully của ngân hàng Thụy Sỹ UBS cảnh báo, giá vàng có thể sẽ vấp phải một vùng kháng cự mạnh tại 1.790-1.803 USD/oz, đồng nghĩa với việc vàng cần chinh phục được các ngưỡng giá này để có thể tiến xa hơn.