Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường vật liệu xây dựng: Nhiều tín hiệu khởi sắc

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua nghiên cứu và số liệu khảo sát thị trường vào cuối tháng 3 vừa qua từ Công ty Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đã mở ra nhiều tín hiệu lạc quan đối với thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) trong 3 quý còn lại của năm 2021, nhờ vào việc kinh tế vẫn tăng trưởng và những chính sách mới bắt đầu có hiệu lực, sẽ giúp cho thị trường VLXD có cơ hội thay đổi, bứt phá.

Hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế
Theo số liệu báo cáo từ Tổng Cục thống kê, trong quý 1/2021 ghi nhận tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý 1/2020. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt mức 6,5% năm 2021. Ngân hàng United Oversea Bank thì đưa ra dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt ở mức khá cao là 7,1%. Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng dự báo Việt Nam đạt tăng trưởng năm 2021 là 6,6%...
Một cuộc khảo sát mới đây của Vietnam Report cho thấy, có đến 31,6% số DN ngành XD - VLXD cho rằng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong 6 tháng đầu năm và có tới 47,4% số DN dự báo sẽ tăng trưởng trong 12 tháng tới.
Đáng chú ý, khoảng 15,8% số DN cho rằng sẽ có bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định trong 6 tháng tới. Các DN ngành XD - VLXD sẽ tập trung vào 6 chiến lược chính: Đảm bảo tốt hiệu quả, chất lượng, tiến độ của các dự án, công trình hiện có; Tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường; Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ; Tiếp tục phát triển thương hiệu; Đầu tư công tác nghiên cứu và phát triển (R&D); Đánh giá nguồn lực, tái cấu trúc DN.
Ngành VLXD sẽ đạt tốc độ phát triển tốt nhờ vào việc kinh tế tăng trưởng.
“Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm vừa qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào bức tranh kinh tế tươi sáng hơn trong năm nay đối với thị trường VLXD nói riêng” – đại diện Vietnam Report nhận định.
Kiện toàn hành lang phá lý
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng cho biết, ngành VLXD có liên quan mật thiết với ngành BĐS, đại dịch Covid-19, ngành xây dựng cũng có những ảnh hưởng nhưng không chịu tác động lớn như các ngành BĐS, du lịch. Trong năm 2020, đóng góp của doanh nghiệp xây dựng với GDP của đất nước là rất lớn. Điều đó là nhờ dư địa của các doanh nghiệp từ nhiều năm trước, đầu tư công của Nhà nước đã thúc đẩy hoạt động xây dựng. Cùng với đó, khi thị trường BĐS phục hồi trở lại cũng sẽ tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng của ngành VLXD trong thời gian tới.
“Để các ngành có thể phát triển bền vững trong thời gian tới, tôi cho rằng, cần tiếp tục xây dựng “Chính phủ kiến tạo”, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp BĐS có thể hoạt động thuận lợi thì doanh nghiệp xây dựng cũng mới có thể hoạt động thuận lợi” – ông Đặng Việt Dũng nhìn nhận.
Theo Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc, ngành VLXD dù chịu tác động của Covid-19 nhưng kết quả kinh doanh ghi nhận đạt được con số khả quan. Tất cả sản phẩm VLXD vẫn đang sản xuất ổn định, dù năng suất và sản lượng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đa phần đều tăng trưởng dương. Trong khi đó, Chính phủ cũng đã thông qua “Chiến lược Phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050”, để tạo hành lang pháp lý cho thị trường phát triển.
“Đây sẽ trở thành bệ đỡ hành lang chính sách thúc đẩy ngành VLXD. Với định hướng rõ ràng, sự hỗ trợ thiết thực, ngành VLXD tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng tốc. Theo nhận định, trong năm nay, thị trường BĐS có nhiều tín hiệu tích cực trong năm tới. Đây là cơ hội để lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục phát triển" – ông Phạm Văn Bắc cho hay.