Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường XKLĐ của Việt Nam đang thu hẹp dần

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuy giảm chỉ tiêu và hoạt động trong thời điểm các thị trường XKLĐ đang dần hồi phục từ đầu năm đến nay nhưng kết quả XKLĐ của VN trong 6 tháng qua không như mong đợi.

KTĐT - Tuy giảm chỉ tiêu và hoạt động trong thời điểm các thị trường XKLĐ đang dần hồi phục từ đầu năm đến nay nhưng kết quả XKLĐ của VN trong 6 tháng qua không như mong đợi.

Thị trường xuất khẩu lao động của VN đang ngày càng thu hẹp dần; một số thị trường vừa mới khai thác đã phải “khai tử”...Năm 2009, VN đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, các thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn của VN thu hẹp nhu cầu tuyển dụng, dẫn đến trong năm này VN chỉ đưa được gần 75.000 lao động, đạt 83% kế hoạch năm. Trong cuộc họp tổng kết năm 2009, trước  biến động của các thị trường, Bộ LĐ-TB-XH điều chỉnh chỉ tiêu XKLĐ năm 2010: Giảm từ 100.000 người xuống còn 85.000 người.
 
Nhìn từ những con số

 
Tuy giảm chỉ tiêu và hoạt động trong thời điểm các thị trường XKLĐ đang dần hồi phục từ đầu năm đến nay nhưng kết quả XKLĐ của VN trong 6 tháng qua không như mong đợi.
 
Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, trong thời gian này,  cả nước chỉ  có 37.068 người đi XKLĐ, đạt 43% kế hoạch năm. Trong đó, thị trường được nhiều người kỳ vọng nhất là Hàn Quốc chỉ đưa đi được 1.476 người, trong khi cùng kỳ năm 2009 là 4.295 người; Nhật Bản 2.475 người (cùng kỳ 2009: 2.678 người); Macau 1.693 người (cùng kỳ 2009: 1.715 người). Hai thị trường trọng điểm là Đài Loan và Malaysia có tăng trở lại nhưng không đáng kể. Đặc biệt là Malaysia, khoảng 80 doanh nghiệp XKLĐ chỉ đưa được 2.511 người, bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ đưa được khoảng 32 lao động. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm từ 2005-2007 với mức bình quân đưa đi được 10.000  người/năm.
 
Tác động từ thay đổi chính sách
 
Sự thay đổi chính sách của các nước tiếp nhận lao động trong thời gian qua cũng đã tác động trực tiếp đến hoạt động XKLĐ của VN. Ở thị trường Nhật Bản, theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác lao động quốc tế Nhật Bản (JITCO), số tu nghiệp sinh vào Nhật Bản thông qua các nghiệp đoàn thành viên của JITCO đến hết tháng 4-2010 là 15.499 người, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2009. Nguyên nhân do đang trong giai đoạn chuyển đổi từ chương trình cũ sang chương trình sửa đổi (bắt đầu thực hiện từ ngày 1-7-2010), nhiều tổ chức tiếp nhận Nhật Bản chưa quen và theo kịp với những sửa đổi, như phải xin giấy phép giới thiệu việc làm, hồ sơ, giấy tờ xin visa, chứng nhận đào tạo trước khi đi tại cơ quan đào tạo được phép... dẫn đến số lượng lao động VN nhập cảnh Nhật Bản không nhiều. Còn tại Hàn Quốc, sau khi chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, đang thắt chặt quy chế nhập lao động nước ngoài, giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài  từ 72.000 người năm 2008 xuống còn 24.000 người năm 2010.  Đây là nguyên nhân chính khiến trong 6 tháng qua, VN chỉ đưa được 1.476 lao động sang Hàn Quốc, mức thấp nhất từ trước đến nay.

Cùng với thay đổi chính sách, những rủi ro thị trường cũng đã tác động tiêu cực đến kế hoạch XKLĐ của VN. Đó là hàng loạt thị trường mới tiềm năng như Qatar, Cộng hòa Czech chỉ sau một thời gian ngắn khai thác đã bị “khai tử”. Ngay từ đầu năm 2009, Bộ LĐ-TB-XH triển khai chương trình lớn đưa 4.000 lao động VN sang UAE làm bảo vệ nhưng hiện nay cũng đang bị ngưng trệ...
 
Chuyển mình chưa kịp
 
Vấn đề mà ngành XKLĐ đang phải đối mặt là chưa chuyển mình kịp trước những diễn biến của thị trường, sự thay đổi chính sách từ các nước tiếp nhận lao động cũng như đón đầu cơ hội, tranh thủ tìm kiếm, khai thác các thị trường mới, hợp đồng mới thu nhập cao trên cơ sở nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu. Thực tế các tác động từ chính sách cùng với những rủi ro thị trường thời gian qua đã khiến hoạt động XKLĐ của VN bị thu hẹp dần. Cụ thể là trên bản đồ XKLĐ của VN, trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện tại hoạt động cung ứng lao động chủ yếu chỉ tập trung ở 9 thị trường gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Macau (khu vực Đông Bắc Á); Malaysia (Đông Nam Á), UAE, Ả Rập Saudi, Bahrain (Trung Đông); Libya (châu Phi).
 
Các tác động, sự thay đổi, thu hẹp thị trường có thể khiến năm 2010, VN khó hoàn thành mục tiêu đưa 85.000 lao động ra nước ngoài và càng khó hơn với chỉ tiêu đưa ra nước ngoài 100.000 lao động/năm kể từ sau năm 2010 trở đi.
 

ÔNG NGUYỄN THANH HÒA, THỨ TRƯỞNG BỘ LĐ-TB-XH: Đẩy mạnh các biện pháp kích cầu thị trường

 

Thời gian qua, XKLĐ gặprất nhiều khó khăn, kết quả đạt được còn thấp. Để thực hiện chỉ tiêu đề ra, ngoài nỗ lực của 167 doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ có những biện pháp cụ thể. Tới đây, bộ sẽ tổ chức hàng loạt hội nghị, hội thảo bàn kế hoạch đưa lao động sang Trung Đông ở các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên; tổ chức hội thảo về thị trường Ả Rập Saudi, tổ chức lại việc đưa lao động sang Qatar; tập trung triển khai đề án tăng cường quản lý lao động sang làm việc tại Libya với mục tiêu đưa 5.000 - 7.000 lao động/năm sang thị trường này trong giai đoạn 2010-2015.
 

Ngoài ra, chủ trương của bộ là kích cầu lại các thị trường, nhất là duy trì, mở rộng, tăng số lượng lao động sang thị trường truyền thống; cố gắng đưa được 10.000 lao động sang Nhật Bản, 10.000 lao động sang Hàn Quốc trong năm nay...