Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiên tai đe dọa toàn cầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên tiếp các “thảm họa quốc gia” vì thiên tai đã diễn ra trên khắp các châu lục trong những ngày qua cho thấy sự “đỏng đảnh” của thời tiết tiếp tục là thách thức chủ yếu đe dọa tính mạng và những thành quả do con người gây dựng nên.

Tại Iran, hai trận động đất mạnh liên tiếp xảy ra hôm 11/8 ở tỉnh Đông Azerbaijan đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương, khoảng 16.000 người lâm vào cảnh mất nhà cửa. Thiệt hại về người chắc chắn sẽ tăng thêm khi còn nhiều nạn nhân vẫn bị chôn vùi trong đống đổ nát. Trong khi đó “đại nạn hạn hán” được tạo nên bởi một trong những mùa hè khắc nghiệt nhất trong lịch sử nhân loại đã hoành hành tại Australia, bao trùm miền Nam nước Nga với các khu vực ven sông Volga, Tây Siberia cũng như nhiều quốc gia Âu Mỹ. Nắng nóng bất thường đã làm bùng phát các vụ cháy rừng suốt một dải từ Ural và Siberia của Nga đến Tây Ban Nha, Pháp và Croatia. Tại châu Á, quốc gia nổi tiếng có khí hậu ôn hòa như Hàn Quốc đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng chưa từng thấy, khiến 7 người thiệt mạng, ngành chăn nuôi cũng chịu thiệt hại nặng khi 786.000 con gà, 40.000 con vịt chết vì thời tiết bất thường. Trong khi đó, hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 56 năm qua đã tấn công nước Mỹ làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng ngô, lúa mì và đậu tương vốn chiếm tới 50% sản lượng xuất khẩu ngũ cốc của toàn thế giới. Tình trạng này đã làm chỉ số giá lương thực toàn cầu tháng 7 tăng trở lại sau 3 tháng trầm lắng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang, đẩy thế giới tới gần một cuộc khủng hoảng lương thực hơn.

Thiên tai đe dọa toàn cầu - Ảnh 1

Mưa lớn kéo dài làm nhiều nơi ở Manila ngập lụt nghiêm trọng.

Theo kết quả quan sát và nghiên cứu từ nhiều năm qua của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nhiệt độ Trái đất lại tăng nhanh như hiện nay là biểu hiện tất yếu của sự nóng lên toàn cầu do phát thải nhà kính. Trong lúc Trung Quốc, Philippines đang khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt do bão nhiệt đới Hải Quỳ gây ra, các chuyên gia nhận định việc các thành phố lớn của hai nước này chìm trong nước lũ cho thấy một khía cạnh khác của “nhân họa”. Tốc độ đô thị hóa nhanh với làn sóng di cư từ nông thôn ra Manila đã khiến các khu ổ chuột mọc lên như nấm ngay trên bờ sông, gần cống thoát nước, kênh rạch... là nguyên nhân khiến thành phố 15 triệu dân này dễ bị tổn thương khi lũ lụt xảy ra. Ngoài ra, các cánh rừng ở ngoại ô Manila, vốn đóng vai trò là các “con đê tự nhiên” đã bị tàn phá để xây dựng các khu đô thị mới đã tạo điều kiện để nước lũ tràn về Thủ đô. Tình trạng tương tự cũng xảy ra Trung Quốc, khi chính quyền các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… chưa chú trọng đầu tư thích đáng cho hệ thống thoát nước.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hầu hết các Chính phủ đều thể hiện một tinh thần chủ động đối phó với thảm họa thông qua các chương trình phòng chống quy mô lớn. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này chỉ mang tính tình thế, vì nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng của thiên tai, suy cho cùng là do nhân họa. Nếu các nước không nhanh chóng tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng này, ngoài thiệt hại trước mắt về người và của, nhân loại sẽ phải chứng kiến một làn sóng di cư lớn vì khí hậu.