Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

''Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đã và đang đến với Phú Thọ

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Phú Thọ có lợi thế, tiềm năng to lớn, còn rất nhiều dư địa phát triển. Trong những năm qua, Phú Thọ tạo được nhiều tiền đề, nền tảng quan trọng, nhất là cơ sở vật chất, hệ thống giao thông… "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đã và đang đến với Phú Thọ.

Chiều 28/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 
 Ảnh: VGP
Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 8,38%/năm trong giai đoạn 2016-2019, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng từ 76% lên 79,7%, khu vực nông, lâm nghiệp giảm từ 24% xuống còn 20,3%.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 1,24%. Phần lớn các ngành sản xuất công nghiệp đều sụt giảm, nhu cầu thị trường giảm, tiêu thụ khó khăn, thiếu nguyên liệu đầu vào; khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 0,07%. Khu vực dịch vụ, thương mại gặp khó khăn, chỉ tăng trưởng 1,21%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,52%/năm, đến năm 2020 còn 4,4%
Về giải ngân vốn đầu tư công, đến hết ngày 23/7, các nguồn vốn bố trí cho các công trình, dự án (bao gồm vốn kéo dài) đạt 1.379 tỷ đồng, bằng 47,5% kế hoạch vốn đã giao. Lãnh đạo tỉnh khẳng định cam kết, không điều chỉnh chỉ tiêu năm 2020, phấn đấu đạt ở mức cao nhất; phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.
Sau khi lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Phú Thọ có lợi thế, tiềm năng to lớn, còn rất nhiều dư địa phát triển. Trong những năm qua, Phú Thọ tạo được nhiều tiền đề, nền tảng quan trọng, nhất là cơ sở vật chất, hệ thống giao thông… "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đã và đang đến với Phú Thọ.
Kết quả kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh là toàn diện với tăng trưởng cao, thu ngân sách đạt khá. Về tình hình 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã chủ động, tích cực, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu kép, giải quyết tốt gói hỗ trợ an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên đến trên 12.000 tỷ đồng, bằng 95,9% cùng kỳ. Đây là nền tảng quan trọng cùng với nguồn đầu tư khác để tăng trưởng trong thời gian tới.
Thủ tướng hoan nghênh cam kết của tỉnh trong việc giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch năm nay.
Tuy nhiên, tỉnh cũng cần thấy các bất cập, tồn tại như chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu còn chậm, nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao. Tỉnh có nhiều sản phẩm mới, chất lượng tốt như chè, bưởi nhưng nói chung, chưa có nhiều dự án của các doanh nghiệp chủ lực, quy mô lớn, chưa có những “đại bàng lớn” đậu ở Phú Thọ… Do đó, tỉnh cần quan tâm hơn tới cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh kết nối cổng dịch vụ công quốc gia.
Trước tình hình dịch bệnh ở các địa phương miền Trung, Thủ tướng nêu rõ, Phú Thọ cần tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đặc biệt không được mất cảnh giác trong phòng, chống dịch COVID-19.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới của Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phấn đấu quyết liệt hơn, vươn lên mạnh mẽ hơn, xứng danh đất Tổ. Trên nền tảng đã có như có sản phẩm tốt, cơ sở hạ tầng và thời cơ là có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Phú Thọ tạo thuận lợi, đẩy mạnh xâm nhập các thị trường mới.
Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, sẽ tự cân đối được thu chi ngân sách. Thủ tướng cho rằng, phải đặt mục tiêu cao hơn, trong khoảng 3 năm nữa phải tự cân đối được ngân sách.
Tỉnh cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đồng thời đề phòng, cảnh giác với dịch bệnh. Trong nội bộ tỉnh, cần chú ý việc thu hồi, điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân để bố trí cho dự án khác.
Tỉnh cần xác định lại mô hình tăng trưởng, lựa chọn, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế với tầm nhìn dài hạn hơn, phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, dịch vụ du lịch. Tiếp tục thúc đẩy, khắc phục các tồn tại, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tiếp tục quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giảm tỷ lệ nghèo. Tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp.
Nêu rõ trong bối cảnh khó khăn, càng quyết tâm cao hơn, phát huy tinh thần tiến công, giữ nhịp độ tăng trưởng cần thiết, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ các kiến nghị mà Phú Thọ nêu ra tại cuộc họp.
Thủ tướng đề nghị tỉnh có biện pháp xúc tiến đầu tư phù hợp, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hỗ trợ giới thiệu, xúc tiến đầu tư để kêu gọi thu hút dự án trong và ngoài nước vào Phú Thọ. Tỉnh phải chuẩn bị mặt bằng, hạ tầng sẵn sàng, nguồn nhân lực tốt trong thu hút đầu tư.