“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 67 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi đến thăm di tích nhà 48 Hàng Ngang. Nhìn những tấm hình về Bác Hồ được lưu giữ cẩn thận tại nơi đây, chúng tôi phần nào hình dung được cuộc đời cũng như sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bước qua cánh cửa xếp vào bên trong, toàn bộ không gian 110m2 là nơi trưng bày, giới thiệu các tài liệu gắn với chuyên đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mỗi hiện vật, mỗi bức hình về vị lãnh tụ kính yêu được đặt tại nơi đây đều hiện lên vô cùng giản dị, nhân ái và gần gũi. Bảo tàng nhỏ này trưng bày 3 phần: Ngôi nhà Hàng Ngang nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Bản Tuyên ngôn độc lập; Tư tưởng Hồ Chí Minh trong Bản Tuyên ngôn độc lập; Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định giữ vững nền độc lập tự do. Bên cạnh đó, Bản Tuyên ngôn độc lập cũng được đặt cạnh hai bản trích bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi. Qua đó thể hiện sự kế thừa truyền thống yêu nước, đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc ta qua nhiều thế hệ.
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang hiện nay.
Chúng tôi được chị Nguyễn Bích Hạnh, cán bộ điểm di tích giới thiệu về tầng 2 của ngôi nhà. Chị Hạnh cho biết, tầng 2 được giữ lại hầu như nguyên trạng. Phòng lớn tầng 2 phía đường Hàng Cân là nơi ở và làm việc, họp bàn của các đồng chí Thường vụ. Phía trong phòng này đặt máy chữ do Bác Hồ đưa từ chiến khu về. Từ phòng lớn trên, đi theo một hành lang là sang phòng lớn phía đường Hàng Ngang. Phòng ngoài là nơi ở và làm việc của đội bảo vệ. Phòng trong rộng chừng 20m2, là nơi ở và làm việc của Bác Hồ. Tất cả những đồ đạc nơi đây được xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ...
Bà Nguyễn Thị Mai, Phụ trách Phòng quản lý di tích, Bảo tàng Hà Nội cho biết, năm 2011 có trên 6.000 lượt khách trong nước, trên 3.000 khách quốc tế đến tham quan di tích lịch sử cách mạng này.
“Tuyên ngôn Độc lập”
Tại chiếc bàn nhỏ, xinh xắn nơi góc phòng tầng 2 (ảnh) của ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, từ ngày 28 đến ngày 31.8.1945, Bác Hồ đã soạn thảo xong bản Tuyên ngôn Độc lập. Bác đã viết Tuyên ngôn Độc lập với tất cả trí tuệ và tâm huyết của lãnh tụ hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước, tạo nên tuyệt tác có giá trị lịch sử, văn học muôn đời. Sau khi thông qua Thường vụ Trung ương, bản Tuyên ngôn được đánh máy ở đầu phòng họp Thường vụ Trung ương và được chuyển đến cơ sở bí mật trong nội thành Hà Nội.
Sau này, hồi tưởng về những ngày viết Tuyên ngôn Độc lập, Bác nói: "Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình". Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng, cụ Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập trong vài ba ngày nhưng đã chuẩn bị từ 20 năm trước. Năm 1926, Nguyễn Ái Quốc đã dịch và cho đăng Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ trên Báo Thanh Niên!
Cũng tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Người đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên với các tổ chức quốc tế. Thiếu tá Archimedes L.A Patti chính là người chỉ huy đơn vị OSS (Office of Strategic Services - Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) đến Hà Nội khi Cách mạng Tháng Tám thành công là một trong những phái bộ đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại 48 Hàng Ngang. Hơn thế nữa, ông cũng chính là người nước ngoài đầu tiên được đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khi chưa được công bố.
Nhiều hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại phòng chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh tại tầng 1 nhà 48 Hàng Ngang.
Trong thiên hồi ký "Why Việt Nam?" (Tại sao Việt Nam?) được xuất bản ba mươi lăm năm sau, Patti kể lại: Trước ngày Lễ Độc lập, chính Patti là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xem và trao đổi ý kiến về nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo. Ngày 2.9.1945, cùng với nhóm công tác của mình, Patti đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình và đã miêu tả một cách chi tiết, sinh động và hấp dẫn về sự kiện lịch sử này.
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khi nói về bản Tuyên ngôn Độc lập đã giành những câu chữ thật sâu sắc: Khung cảnh lịch sử hoành tráng của mùa thu 1945 đã "hóa hồn" vào Tuyên ngôn và Tuyên ngôn tạc cái hồn ấy vào bia đá, trường tồn cùng năm tháng. Khi nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam nói lên tính chất lĩnh hội của cách mạng Việt Nam về quy luật sống của loài người. Ở đây, là Tuyên ngôn Độc lập của một nước trước đó là thuộc địa, một nước nông nghiệp nghèo. Ý nghĩa dân tộc bật nổi trong ý nghĩa quốc tế, khẳng định những gì mà lịch sử cả hành tinh đã khẳng định.