Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay ngành thiết kế nói riêng và ngành công nghiệp sáng tạo nói chung của Việt Nam còn nhiều hạn chế và đi sau nhiều nước trong khu vực và thế giới. Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tuy có chất lượng tốt nhưng giá trị thu được chưa cao, một phần là do chưa có sự đầu tư thích đáng trong khâu thiết kế sáng tạo – khâu quan trọng đem lại nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Những năm gần đây, Bộ Công thương đã tập trung thực hiện nhiều chương trình, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nhằm tăng cường hỗ trợ các DN Việt Nam nâng cao năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, ngành công nghiệp sáng tạo trở thành phương tiện mạnh mẽ thức đẩy phát triển kinh tế đất nước. Kinh tế sáng tạo là kinh tế tri thức, có thể kết nối giữa văn hóa và thương mại. Trên thế giới, ngành công nghiệp sáng tạo đã không ngừng phát triển, mang lại nguồn thu lớn cho nhiều DN.
Nói về vai trò của thiết kế trong hoạt động Marketing và kinh doanh của DN, bà Nguyễn Hữu Minh Thy – Giám đốc Sáng tạo, Richard Moore Associates nhận định, ngày nay, không một DN nào bắt tay vào kinh doanh lại không muốn gắn kinh doanh của mình với thị trường.
Trong cơ chế thị trường, các DN tự do cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất. Lợi nhuận của DN chỉ có được khi làm hài lòng, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và khi đó marketing trở thành yếu tố then chốt để đi đến thành công của DN. “Một DN muốn kinh doanh tốt thì phải có thiết kế tốt. Trước tiên DN cần truyền đạt thông điệp của đơn vị mình thông qua hình ảnh để tạo dấu ấn tốt, từ đó sẽ xây dựng lên niềm tin với khách hàng" – bà Thy khẳng định.
Một số sản phẩm thiết kế mới được giới thiệu, trưng bày bên lề hội nghịThứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thăm quan một số sản phẩm thiết kế mới tại khu giới thiệu, trưng bày bên lề hội nghị |
Chia sẻ về xu hướng mới trong xây dựng hình ảnh thương mại trên thị trường quốc tế hiện nay, chuyên gia thiết kế Malaysia Omar Osman cho rằng: “Người sở hữu sản phẩm và nhà sản xuất cần được cập nhật xu hướng mới nhất để duy trì thương hiệu của họ. Xây dựng thương hiệu không chỉ là thiết kế lại logo hay hình ảnh, mà xây dựng thương hiệu là một phương pháp làm mới. Đó không chỉ là vấn đề tạo ra một thiết kế hay một sự cải tiến mà còn là xây dựng lòng tin của khách hàng và người tiêu dùng thông qua sự khác biệt”.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, với sự hợp tác của các đối tác trong và ngoài nước. Chương trình diễn ra trong hai ngày, dự kiến thu hút khoảng 500 - 800 đại biểu trong và ngoài nước tham gia, bao gồm chuỗi các sự kiện có liên quan đến thiết kế như: Hội nghị Quốc tế; các buổi hội thảo chuyên đề; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thiết kế sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong thiết kế sáng tạo; Cuộc thi thiết kế và Giao dịch thương mại giữa các nhà thiết kế, các DN thiết kế với các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Trong ngày đầu tiên, Chương trình tập trung chủ yếu cho các đối tượng là cộng đồng DN sản xuất, xuất khẩu và các tổ chức có liên quan tới thiết kế. Ngày thứ hai là sự kiện Vietnam Halography, dành cho đối tượng chủ yếu là các nhà thiết kế, qua đó khách tham dự có thể đánh giá tổng quan về sự phát triển cũng như hiện trạng của ngành thiết kế Việt Nam.
Bên lề hội nghị còn có khu vực trưng bày dành cho các sản phẩm thiết kế sáng tạo, khu vực trưng bày của Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc và khu vực dành cho các tổ chức, DN có thiết kế sản phẩm, thiết kế bao bì hoặc thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu tốt.