Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiết lập khuôn khổ pháp lý về tái cơ cấu nợ công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 124 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 41 phiếu trắng, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua một dự thảo nghị quyết về việc thúc đẩy thiết lập một khuôn khổ pháp lý đa phương về tái cơ cấu nợ công, còn gọi là nợ chủ quyền.

Nghị quyết phản đối việc các chủ nợ thương mại, trong đó có các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể ngăn cản hoặc làm thất bại nỗ lực tái cơ cấu nợ của các quốc gia, đồng thời nêu rõ việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý về tái cơ cấu nợ chủ quyền nhằm nâng cao "hiệu quả, sự ổn định và tính lường trước" của hệ thống tài chính quốc tế.
Vũ Trần

Mỹ - Nga bất đồng quan điểm về INF

Ngày 11/9, tại Moscow, các quan chức Nga và Mỹ có buổi làm việc nhằm làm sáng tỏ các cáo buộc vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký năm 1987 mà hai bên đang đổ lỗi cho nhau.

Trong khi Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF khi thử một quả tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất hồi năm 2008, Moscow lại cho đây là động thái để Washington đánh lạc hướng sự chú ý khỏi hành vi chuẩn bị triển khai hệ thống phóng MK-41 cho các tên lửa tầm trung tại Ba Lan và Romania. Các cáo buộc này làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Mỹ tại thời điểm mối quan hệ song phương đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1991 do vụ khủng hoảng ở Ukraine.
Nguyễn Hà

6 bên chuẩn bị họp bàn về vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Ngày 10/9, chính quyền Hàn Quốc cho biết, các quan chức chính phủ và các nhà nghiên cứu của 6 quốc gia đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang chuẩn bị tham gia Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á (NEACD) vào tuần tới. Từ khi thành lập năm 1993, NEACD là một diễn đàn đối thoại không chính thức giữa CHDCND Triều Tiên và 5 đối tác về chương trình hạt nhân của mình, gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Mặc dù là một thành viên thường xuyên của NEACD này từ năm 2002, nhưng Bình Nhưỡng đã từng từ chối tham gia vài lần khi Diễn đàn được tổ chức tại Seoul.
Minh Hồng