Chèo kéo, ép khách
Ngôi nhà cổ trên phố Mã Mây, một trong những điểm thu hút khách du lịch quốc tế. Nhưng, trước khi du khách vào tham quan đều gặp lời chào mời mua đồ lưu niệm rẻ tiền của một nhóm phụ nữ bán hàng rong án ngữ trước cửa. Trên phố Hàng Bè, Mã Mây, Hàng Bạc, cổng đền Ngọc Sơn luôn có dăm bảy phụ nữ gánh hàng hoa quả hoạt động, nhìn qua tưởng họ bán rong nhưng khi thấy khách nước ngoài, họ lao tới đặt lên vai du khách mời chụp ảnh, sau đó đòi tiền phí. Gặp vị khách dễ tính, thì đòi một vài trăm ngàn, khó cũng được vài chục ngàn đồng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khách du lịch vừa đến cổng, lập tức mấy phụ nữ bê chiếc giá đựng đủ mặt hàng lưu niệm sán lại. Mặc dù những vị khách xua tay, mồm liên tục "No, thank you!" nhưng vẫn bị đeo bám theo vào gần cổng chính. Không chỉ chèo kéo, đội quân hàng rong này còn "chém đẹp" du khách đến tham quan. Anh Alex Winkins đến từ nước Anh cho biết: Một chiếc áo phông du lịch có in hình Khuê Văn Các họ ra giá 10 USD, nhưng chiếc áo giống như vậy trên phố Hàng Đào chỉ vài ba chục ngàn đồng. Một chai nước khoáng 500ml bán tới... 50.000 đồng, thật khó chấp nhận được.
Lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội nhận xét, những hành động đó đã làm xấu đi hình ảnh văn hóa thanh lịch của người Hà Nội và ảnh hưởng lớn đến môi trường du lịch của Thủ đô.
Nhiều bất hợp lý
Không phải lực lượng chức năng làm ngơ trước vấn nạn nêu trên, nhưng xem ra chính quyền sở tại dường như bất lực, bởi chế tài xử phạt quá nhẹ.
Chèo kéo khách du lịch mua hàng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Từ đầu năm đến nay, công an quận đã xử lý hơn 100 trường hợp nhưng tình trạng bán hàng rong chèo kéo du khách vẫn không giảm. Việc kiểm tra, xác minh gửi thông báo về địa phương cũng gặp khó khăn, bởi các đối tượng này không thường xuyên cư trú trên địa bàn quận. Theo quy định, muốn xử lý người bán rong chèo kéo du khách phải có xác nhận của người bị hại, nhưng vì nhiều lý do, du khách không chủ động thông báo cho cơ quan chức năng.
Một bất hợp lý khác, theo quy trình xử lý, chỉ khi tái phạm mới tạm giữ hàng hoá và tiếp theo mới tịch thu hàng hoá, phương tiện kinh doanh. Muốn ra quyết định tiêu huỷ tang vật hoặc tịch thu phải thành lập hội đồng với nhiều đơn vị liên quan, thủ tục khá mất thời gian.
Từ thực tế cho thấy, để có thể ngăn chặn tình trạng này không thể áp dụng việc xử phạt hành chính mà nên xây dựng chế tài đặc thù với mức xử phạt cao hơn, đủ sức răn đe. Bởi lẽ, việc ép khách mua hàng giá cao đã có thể cấu thành hành vi lừa đảo, trấn lột tài sản. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần sớm thành lập đường dây nóng do lực lượng liên ngành phụ trách để du khách phản ánh và yêu cầu trợ giúp khi có sự cố xảy ra.
Trước tình trạng hàng rong "chặt chém" khách du lịch bùng phát trở lại, mới đây, UBND TP đã có công văn yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì phối hợp với Công an TP, Sở VHTT&DL chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc đeo bám, "chặt chém", trộm cắp, móc túi du khách trên địa bàn mình quản lý. Với quyết tâm của TP, và sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, hy vọng tình trạng người bán hàng rong chèo kéo, ép khách du lịch sẽ được hạn chế, trả lại môi trường "sạch" cho du khách mỗi lần đến với Hà Nội.