Nỗ lực PCTN của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm. Đặc biệt việc “thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp”.
Thời gian qua, có thể kể đến các vụ “đại án” tham nhũng đã được đưa ra xét xử nhưng việc thu hồi tài sản đạt thấp, nhiều khó khăn vướng mắc như vụ Vinalines, vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ Huyền Như… Việc xác minh tài sản, xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản xác minh, xử lý được để thi hành án có giá trị nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay cơ quan điều tra tránh tẩu tán tài sản nhưng thực tế khi quá trình tố tụng kết thúc thì nhiều tài sản đã “không cánh mà bay”.
Vậy làm thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả? PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cho rằng, Bộ luật Hình sự hiện đang thiếu vắng một số tội liên quan đến tham nhũng. Chẳng hạn tội làm giàu bất chính hay tội nhận quà biếu có giá trị lớn, tội kê khai tài sản thiếu trung thực. Do vậy, cần bổ sung các tội nói trên vào Bộ luật Hình sự; có cơ chế khuyến khích tự nguyện nộp lại tài sản khi chưa bị phát hiện, nếu người đó nộp lại có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho họ; tăng cường thủ tục tố tụng hình sự. Đồng thời, nên có một tổ chức chống tham nhũng đủ sức mạnh, quyền lực, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cần lập Ủy ban chống tham nhũng có thể phản ứng nhanh, quyết liệt, triệt để.
Chỉ ra thực tế, hiện chúng ta chưa kiểm soát được tài sản của cả người dân cũng như cán bộ, công chức, ông Nguyễn Đình Quyền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, chúng ta chỉ làm việc kê khai và kiểm tra tính trung thực của việc kê khai, trong khi đây chỉ là khởi đầu. Cũng chưa khởi động một đề án nào mang tầm nhà nước về kiểm soát tài sản, vì thế còn tham nhũng, rửa tiền, tài sản chuyển dịch từ người này qua người khác...
Theo ông Quyền, thu hồi tài sản tham nhũng bất luận thế nào cũng phải bằng con đường tố tụng hình sự, ra trước tòa án. Cần bổ sung các tội phạm liên quan đến tài sản bất minh vào Bộ luật Hình sự. Trên cơ sở đó khởi tố với người có tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc, và hình phạt đầu tiên với người đó phải là tịch thu tài sản. Đây là biện pháp trước mắt rất khả dĩ, là giải pháp hữu hiệu khi chúng ta chưa kiểm soát được tài sản.
Cần kịp thời thể chế những đường lối, chủ trương của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng; Các quy định của pháp luật cần cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, thủ tục thu hồi, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, thu hồi tài sản tham nhũng có thể thực hiện qua cả kết án hình sự và con đường hành chính. Cùng đó là đẩy mạnh chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng của nước ngoài, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài. Ông Phạm Anh Tuấn - nguyên Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư |