Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu điểm trung chuyển: Rác thải tràn phố

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường (VSMT), hướng đến một đô thị xanh - sạch - đẹp, từ năm 2016, TP Hà Nội đã thực hiện cơ giới hóa việc thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn các quận.

Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng chưa được bố trí đồng bộ khiến công tác thu gom rác còn những tồn tại gây bức xúc.
Chọn mặt đường làm “bãi đáp”
Theo quy trình thu gom cơ giới hóa, đơn vị VSMT sẽ sử dụng xe ô tô thu rác trực tiếp từ các hộ dân, các thùng chứa theo lộ trình đã thống nhất vào đúng giờ quy định. Tuy nhiên, ở một số quận như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy… do có nhiều ngõ, ngách nhỏ và sâu nên hiện tại, nhiều khu vực vẫn phải thu gom bằng các xe chở thô sơ. Tại hầu hết các quận đều chưa bố trí điểm tập kết, trung chuyển đúng yêu cầu trước khi chuyển ra các bãi xử lý của TP. Do đó, tại nhiều tuyến phố, khu dân cư đang tồn tại những bãi tập kết xe, điểm cẩu rác bất đắc dĩ không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường, mà còn gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
 Thu gom rác thải trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Hàng ngày, khi lưu thông trên tuyến phố Bạch Mai, đoạn trước Trung tâm thương mại Chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) vào cuối buổi chiều, người tham gia giao thông luôn bắt gặp cảnh 3 - 4 xe rác chất cao ngất ngưởng, rác rơi vương vãi, nước rỉ rác đọng thành vũng ngay lề đường. Theo người dân quanh khu vực, điểm tập kết xe rác này đã tồn tại từ lâu, không chỉ gây ô nhiễm mà đây còn làm mất mỹ quan đường phố, gây ách tắc giao thông.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những điểm tập kết xe rác chờ được cẩu đi nằm ngay lòng đường không phải là hiếm ở nhiều khu vực trên địa bàn các quận. Đơn cử, tại đường Nguyễn Khang, ngã ba phố Hoàng Ngân – Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy), ngã tư phố Triệu Việt Vương – Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng), ngã ba Nguyễn Như Đổ – Trần Quý Cáp (quận Đống Đa)…
Loay hoay tìm giải pháp

Theo thống kê của Sở Xây dựng, lượng rác thải trên địa bàn TP hiện nay khoảng 6.200 tấn/ngày. Mặc dù hầu hết các quận đã áp dụng phương thức thu gom cơ giới hóa, song, do đặc điểm hạ tầng có nhiều ngõ nhỏ và sâu nên hiện vẫn còn 30 – 40% lượng rác thu gom bằng các xe thô sơ. Theo lãnh đạo các phường, việc xoá bỏ hoàn toàn các điểm tập kết thùng, xe rác được đưa ra từ các ngõ sâu hiện nay là rất khó. Điều đáng quan tâm, việc bố trí các điểm gom các xe rác này như thế nào để không ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị là vấn đề chính quyền từ phường đến quận đang loay hoay tìm giải pháp.

Nguyên nhân chính do quỹ đất quy hoạch dành cho việc này hầu như từ trước đến nay chưa được tính đến. Ông Đỗ Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy) cho biết, hiện phường không có khu vực nào thực sự đúng nghĩa là nơi cẩu rác. Do trong quy hoạch không có nơi tập kết tạm rác thải để chờ cẩu đi nên phường chỉ còn cách chọn một vài vị trí gần các khu công trình đang xây dở dang, thậm chí phải chấp nhận tập kết rác ở cả lòng đường, vỉa hè.

Cũng trong tình trạng tương tự, Chủ tịch UBND phường Văn Chương Vũ Tiến Hưng băn khoăn: Hiện nay, phường đang mượn đất của dự án cải tạo hồ Linh Quang để làm điểm cẩu rác duy nhất. Vào cuối năm nay, khi dự án hoàn thành, điểm cẩu này sẽ bị giải tỏa, chưa biết lúc đó rác được thu gom trên địa bàn phường sẽ tập kết về đâu? Hiện phường cũng không còn khu đất trống nào có thể quy hoạch thành điểm cẩu rác hợp vệ sinh theo quy định.

Cùng với khó khăn trong việc sắp xếp điểm cẩu hợp lý, thì đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển rác hầu như chưa được các quận cũng triển khai do thiếu mặt bằng. Theo ông Vũ Đại Phong - Chủ tịch quận Hai Bà Trưng, trung bình mỗi ngày trên địa bàn quận có lượng rác thu gom 330 tấn, số lượng xe vận chuyển rác của Urenco là 35 xe, bình quân mỗi xe trong 1 ngày vận chuyển 10 tấn rác ra khỏi địa bàn. Do quận chưa tìm được điểm làm trạm trung chuyển rác phù hợp, dẫn đến thời gian vận chuyển rác kéo dài gây ùn ứ tại một số nơi. Mặc dù đã giới thiệu 5 điểm nhưng đều chưa phù hợp để làm trạng trung chuyển rác. Đây là vấn đề khó của quận Hai Bà Trưng cũng như rất nhiều quận khác. “Hiện các quận nội thành đang rất cần một điểm trung chuyển để ép rác và giảm bớt lưu lượng xe rác chạy trên đường” – ông Phong nhấn mạnh.

Cần quyết liệt hơn

Đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trên địa bàn có 299 điểm cẩu rác ở 4 quận trung tâm. Đa số các điểm được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhưng có một số vị trí chưa thực hiện tốt công tác này, xe gom tập kết nhiều hơn quy định, không phủ bạt che chắn. Việc vệ sinh chân điểm cẩu chưa thường xuyên, kịp thời.

Trong khi đó, đã có những địa phương nỗ lực tìm kiếm giải pháp trước mắt cho vấn đề này. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hanh - Trưởng bộ phận phụ trách mảng duy tu hạ tầng Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy cho hay, quận là một trong những khu vực đi đầu thí điểm xây dựng mô hình "Điểm cẩu rác xanh" tại phường Dịch Vọng Hậu. Công trình đã giúp giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện đáng kể về mặt mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, để xây dựng được các chân cẩu rác theo mô hình này không phải phường nào cũng đáp ứng được yêu cầu về mặt bằng. Phải là những nơi có vỉa hè rộng, xa khu dân cư để đảm bảo quây hàng rào, trang trí hoa.

Về vấn đề còn tồn tại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo một số quận, huyện, xã, phường chưa quyết liệt, còn thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, còn tâm lý trông chờ vào TP. Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Chủ tịch các quận, huyện, thị xã phải chủ động trong công tác VSMT theo phân cấp, trong đó quan tâm đến việc bố trí địa điểm và hỗ trợ đầu tư các trạm trung chuyển quy mô nhỏ phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng cơ giới hóa.

"Hiện nay, trên địa bàn các quận đang thiếu trạm trung chuyển rác, làm cho thời gian vận chuyển rác về các khu xử lý tập trung kéo dài, rác thải thu gom chờ vận chuyển phải tập kết trên đường, gây mất mỹ quan đô thị. Nếu các quận không quyết liệt trong việc xây dựng các điểm trung chuyển, việc áp dụng cơ giới hóa trong thu gom rác chưa phát huy hết hiệu quả." - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến