Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu điểm tựa cho dịch giả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc tọa đàm "Dịch thuật trong thực tế xuất bản" mới đây đã nói thẳng thực tế dịch thuật mà các dịch giả đang bắt buộc phải lựa chọn, cân nhắc: Tôn trọng tuyệt đối văn bản của tác giả hay sáng tạo để phù hợp với văn hóa tiếp nhận của độc giả Việt…

Không có bản dịch hoàn hảo

Các dịch giả Lê Hồng Sâm, Trịnh Lữ, Lương Việt Dũng, Đào Bạch Liên, và cả biên tập viên Thùy Linh lẫn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đều có chung quan điểm mừng trước sự "chịu chê" các bản dịch của công chúng, bởi điều đó chứng tỏ công chúng vẫn còn quan tâm đến văn học dịch.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế, không phải độc giả nào chỉ trích về một cuốn sách dịch đều đã đọc qua tác phẩm. Thậm chí, có bạn đọc bày tỏ phản ứng của mình bằng cách trích dẫn comment trên mạng xã hội của một bạn đọc khác. Cho nên, dịch giả Đặng Thị Hạnh mong mỏi, người đọc nên có cái nhìn tác phẩm trong tổng thể, không nên chỉ vì một vài tiểu tiết mà phủ nhận công sức của dịch giả.
 
 
Thiếu điểm tựa cho dịch giả - Ảnh 1
Một số tác phảm dịch gây tranh cãi.
 

Từ xưa đến nay không có bản dịch văn học chính xác tuyệt đối. Dịch giả Lê Hồng Sâm chia sẻ: "Thời tôi cộng tác với nhiều dịch giả nổi tiếng khác dịch bộ tiểu thuyết "Tấn trò đời" gồm 90 cuốn của văn hào Balzac, chúng tôi đã đọc rất nhiều sách của các bậc tiền bối. Sách của họ cũng có sai sót, đôi khi chỉ là sót một chữ không quan trọng của nguyên tác".

Dịch giả Nguyễn Duy Bình đánh giá, một bản dịch thường có ba cấp độ: Chính xác và hay; chính xác nhưng không hay; hay nhưng không chính xác. Ba cấp độ này cũng có thể cùng tồn tại trong một tác phẩm dịch.

 Dịch giả Lương Việt Dũng tự nhận mình cũng có những lỗi sai trong văn bản dịch, nhưng đó không phải là sai do thái độ thiếu cẩn trọng mà vì bản thân người dịch không sinh ra, không thấm đẫm văn hóa, ngôn ngữ bản địa của người viết nên không chuyển tải được một cách đầy đủ ý của tác giả.

 Cần có hệ thống chỉ dẫn

Vấn đề mấu chốt của tác phẩm dịch được đưa ra là sự phục tùng có sáng tạo để vừa truyền tải đúng ý nghĩa của tác phẩm, vừa phù hợp với độc giả bản địa. Tuy nhiên, đứng giữa nguyên tắc tôn trọng sự thật và tôn trọng văn hoá sẽ là một lựa chọn khó cho các dịch giả khi chuyển ngữ sách nước ngoài sang tiếng Việt. Bởi, nếu dịch đúng nguyên bản, chuyển tải tinh thần của tác giả thì bị cho là tục tĩu, kém văn hoá. Nhưng nếu dịch với ngôn từ sang trọng thì tất nhiên sẽ không còn đúng ngữ cảnh, độc giả không còn cảm nhận được cái hồn của câu chuyện.

Vì thế, thời gian gần đây, không chỉ những bản dịch thực sự kém chất lượng bị đưa ra phê bình, mà ngay cả những bản dịch tốt, được giải thưởng uy tín như "Lolita" của dịch giả Dương Tường cũng gây nhiều tranh cãi. "Vì ranh giới giữa đúng và sai trong dịch thuật rất mong manh, nên phải có "độ" cho tác phẩm dịch. Tức là có chừng mực, ranh giới", dịch giả Lê Hồng Sâm bày tỏ.

 Ngoài ra, TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho rằng, Việt Nam cần có một hội đồng để chỉ dẫn, định hướng cho người dịch. Sách dịch phải có chỉ dẫn, kiểu gì, “độ” mấy thì được dịch. Rõ ràng, ranh giới giữa đúng, sai trong dịch thuật không chỉ là vấn đề cần tranh luận trong giới dịch thuật, mà việc dịch không làm sai lệch tác phẩm cũng giúp thực thi tốt việc bảo hộ quyền tác giả.

 Mấu chốt vấn đề vẫn là sự tôn trọng nguyên tác và uyển chuyển câu chữ của dịch giả. Để làm được điều này, dịch giả Lê Hồng Sâm cho rằng, dịch giả phải có tấm lòng, có kiến thức, am hiểu văn hóa, kinh nghiệm nghề nghiệp để xác định "độ".

 
"Tác phẩm dịch phải tuân thủ theo tác phẩm gốc. Với những tác phẩm hết thời hạn tác quyền là chỉ hết phần quyền tài sản nhưng quyền nhân thân vẫn phải đảm bảo. Ví dụ, không được xuyên tạc, cắt xén tác phẩm, đảm bảo toàn vẹn tác phẩm, phải ghi tên tác giả... là bảo đảm quyền nhân thân" Ông Vũ Ngọc HoanPhó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả