Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu hành lang pháp lý xử tội phạm công nghệ cao

Chia sẻ Zalo

TKTĐT - Các cơ quan, đơn vị chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao (TPCNC).

TKTĐT - Các cơ quan, đơn vị chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao (TPCNC). Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ những yếu tố chủ quan và khách quan.

Cấu kết nhiều loại đối tượng

Gần đây, nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet xảy ra với những cấp độ khác nhau như: Dùng tin nhắn lừa đảo mua bán, đấu giá hàng hóa qua mạng; gửi thư điện tử lừa đảo, tống tiền, khủng bố, phá hoại, quấy rối tình dục, tư vấn kết quả xổ số, mê tín dị đoan, tư vấn tình dục, kể chuyện ma... với giá mỗi tin nhắn nhiều gấp 3-4 lần một tin nhắn thông thường. Thực trạng đó diễn ra hàng ngày và ẩn sau hoạt động đó có bàn tay của TPCNC. Qua phân tích của các “chuyên gia” trong lĩnh vực phòng chống TPCNC, thì những hoạt động phạm pháp đó rất khó phát hiện, xử lý(!) Bởi lẽ, hoạt động của TPCNC luôn có sự cấu kết chặt chẽ của các đối tượng có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin.

Từ một số vụ án TPCNC hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet được Đội 14 Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội khám phá cho thấy, quá trình truy nguồn thông tin từ một trang web đưa lên mạng rất khó khăn, phức tạp. Rõ ràng, một lượng thông tin liên quan đến vụ án được đối tượng sử dụng công nghệ cao hoạt động phạm tội, đẩy lên mạng internet để nhằm vào người bị hại ở Hà Nội, nhưng cơ quan điều tra lại truy nguồn và tìm ra địa chỉ IP (Internet Protocol), hay nói cách khác là “địa chỉ riêng cho mỗi kết nối trên mạng” ở tận tỉnh Đồng Nai hoặc TP Hồ Chí Minh. Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội 14 Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội cho rằng nếu rơi vào trường hợp địa chỉ IP của đối tượng phạm tội đặt ở nước ngoài, thì khó khăn trong công tác điều tra, xử lý TPCNC còn nhân lên gấp bội!

Một nguyên nhân khác cũng dẫn đến khó khăn trong công tác truy nguồn TPCNC là việc sử dụng wifi (Wireless Fidelity - Hệ thống mạng không dây sử dụng sóng vô tuyến) hiện nay rất tùy tiện, không có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía chủ sử dụng. Nhiều gia đình, cơ quan, thậm chí cả những tổ chức, doanh nghiệp lắp đặt thiết bị wifi với tầm phủ sóng rộng, nhưng không đặt password, nên ai cũng có thể truy cập vào mạng được. Chính vì lẽ đó, TPCNC đã lợi dụng sự bất cẩn này để đẩy những thông tin với nội dung thiếu lành mạnh, nhằm mục đích xấu lên “mạng”, gây khó khăn cho cơ quan điều tra khi truy nguồn tội phạm.

Cần có sự phối hợp đồng bộ

Hoạt động của TPCNC đang có những diễn biến phức tạp gây ra những hậu quả khôn lường. Thời gian vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã tập trung phát hiện hàng chục vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của loại tội phạm này. Việc xử lý TPCNC áp dụng theo những quy định tại các Điều 224, 225, 226 (a) và 226 (b) - BLHS, với mức hình phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng và phạt giam giữ đến 20 năm hoặc tù chung thân. Tuy nhiên, việc xử lý TPCNC vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những nguyên nhân khách quan, chủ quan, chủ yếu đem đến từ phía bị hại.

Theo Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội, vì những lý do tế nhị nào đó, nhiều cá nhân, tổ chức là bị hại trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đe dọa khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm... có yếu tố hoạt động của TPCNC đã không trình báo, hoặc chưa chủ động trình báo thông tin vụ việc xảy ra tới cơ quan điều tra. Lý giải cho sự chậm trễ này, hầu hết các bị hại đều cho rằng do sợ mất uy tín, ảnh hưởng đến quyền lợi, nên đã không trình báo. Nguyên nhân tiếp theo cũng gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý TPCNC là sự phối kết hợp để cung cấp thông tin tội phạm hoạt động trên mạng internet giữa các nhà “mạng”, nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị cho thuê máy chủ và kinh doanh tên miền... với lực lượng công an còn rất hời hợt, kém hiệu quả. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ “mạng” còn bất hợp tác với cơ quan điều tra trong một số vụ việc, vì lý do “giữ uy tín” cho các “đối tác” của họ.

“Cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa cơ quan công an và các đơn vị có liên quan trong công tác xử lý TPCNC” - Thượng  tá Đào Thanh Hải nhấn mạnh và đề nghị các cơ quan chức năng như Thanh tra truyền thông, các nhà quản lý “mạng”, cung cấp dịch vụ internet, kinh doanh tên miền, cần chủ động phối hợp với lực lượng công an để phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật của TPCNC. Mặt khác, các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp là bị hại trong các vụ án có sự tham gia của TPCNC cũng cần ý thức rõ được trách nhiệm, bổn phận của mình là tích cực phối hợp cung cấp tài liệu cần thiết cho cơ quan điều tra, để sớm làm rõ thủ phạm lợi dụng công nghệ cao hoạt động phạm tội.