Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu hụt nhân lực nghề Xây gạch

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây gạch là nghề nặng nhọc, vất vả. Tuy nhiên, khi học sinh xác định việc học tâm huyết, say mê thì ra trường làm việc đều thành công.

Thực hành nghề Xây gạch tại trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị
Bùi Duy Kiệm là sinh viên năm cuối nghề Xây gạch, trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị - đại diện cho Việt Nam tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới 2019 đang diễn ra tại TP Kazan, Liên Bang Nga. Trước thắc mắc của phóng viên, hiện nay có hàng trăm nghề, nhưng sao Kiệm lại chọn học nghề Xây gạch, sau này đi làm suốt ngày lăn lộn với gạch, đá, cát, sỏi, vôi vữa? “Em đam mê nghề này từ nhỏ, bởi gia đình làm xây dựng. Năm học cấp 3, thỉnh thoảng em theo bố ra công trình cầm gạch và vữa xây trát thấy thích thú, rồi theo đuổi nghề này luôn” – Kiệm vui vẻ cho hay. Kiệm cũng cho biết dự định sau này được vào làm việc tại công ty xây dựng ở vị trí giám sát kỹ thuật hoặc thầy giáo huấn luyện thí sinh thi tay nghề. Tuy nhiên, muốn làm thầy hay ông chủ thì trước tiên phải làm thợ.
Là chuyên gia trưởng nghề Xây gạch thi tay nghề thế giới và trực tiếp hướng dẫn thí sinh Bùi Duy Kiệm, thầy Đặng Đình Vệ cho biết: Đặc thù của nghề Xây gạch là công việc nặng nhọc. Vì thế, học sinh phải xác định rõ ràng và có tâm huyết học để làm nghề thì mới thành công. “Chúng tôi có “chương trình lần vết” biết được sinh viên nghề Xây gạch tốt nghiệp được nhiều DN tuyển dụng vào làm việc đều có kỹ năng tốt. Lại có những em tự ra ngoài thành lập DN xây dựng” – thầy Đặng Đình Vệ thông tin. Theo thầy Vệ, giờ đây nhiều người sợ công việc nặng nhọc nên lực lượng làm nghề thợ xây ngày càng thiếu hụt. Để cải thiện tình hình, cách tốt nhất là tuyên truyền phải thật tốt, để học sinh hiểu mới học tốt trở thành thợ lành nghề.

Cũng bởi ít người theo đuổi nghề Xây gạch, trong khi nhu cầu của các DN xây dựng rất lớn nên trường đào tạo nghề thợ xây không đáp ứng nổi. Do khan hiếm nhân lực, công nhân Xây gạch được DN trả mức lương trung bình khá, mỗi tháng đi làm 26 ngày, lương 300.000 đồng/ngày, tổng thu nhập 7,8 triệu đồng/tháng. Những thí sinh đạt giải thi tay nghề quốc gia, được trả lương tháng trên 12 triệu đồng/tháng cho vị trí quản lý đội. Những người vừa có kỹ năng, kiến thức, đạo đức nghề nghiệp nhận được mức lương rất tốt và quanh năm làm không hết việc.

Thầy Đặng Đình Vệ cho biết, khóa học cao đẳng 3 năm, sinh viên vừa học lý thuyết vừa xuống xưởng thực hành, tương ứng với tỉ lệ chương trình 30 - 70%. Sinh viên khi tốt nghiệp phải đạt chuẩn các kỹ năng tối thiểu chuyên môn để làm nghề như về auto card, tổ chức thi công, tổ chức đội sản xuất ở công trường, thi công trực tiếp (xây tường, xây trụ, trát). Và, để trụ vững với nghề Xây gạch, ngoài yếu tố yêu nghề, lòng kiên trì, người học rất cần có sức khỏe tốt thì mới thành công.