KTĐT - Làm việc gần gia đình, thu nhập ổn định, chi phí ăn ở thấp là những lý do giữ chân người lao động ở lại quê nhà và đó là điều đáng mừng đối với các tỉnh đang phát triển công nghiệp như Vĩnh Long. Vậy mà nhiều doanh nghiệp tại tỉnh này vẫn than tìm không đủ lao động.
Nhiều doanh nghiệp nhận xét thị trường lao động đang ở thời điểm rất kỳ quặc: nguồn lao động không thiếu nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển được lao động theo nhu cầu.
Thiếu lao động nên phải tạm ngừng đầu tư
Làm việc gần gia đình, thu nhập ổn định, chi phí ăn ở thấp là những lý do giữ chân người lao động ở lại quê nhà và đó là điều đáng mừng đối với các tỉnh đang phát triển công nghiệp như Vĩnh Long. Vậy mà nhiều doanh nghiệp tại tỉnh này vẫn than tìm không đủ lao động.
Hiện khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú thu hút trên 10.000 lao động và nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp may, giày da, thủ công mỹ nghệ... còn rất lớn, nhất là khi giai đoạn 2 của KCN đi vào hoạt động. Tuyến công nghiệp Cổ Chiên, KCN Bình Minh... cũng đang có nhu cầu về lao động rất lớn.
Nhưng việc thiếu lao động đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, họ không dám nhận đơn đặt hàng, không thể mở rộng sản xuất. Chỉ tính riêng tại Công ty TNHH Tỷ Xuân, từ hai năm nay, luôn thông báo “cần tuyển 3.000-5.000 lao động”. Ngoài băng rôn giăng ở nhiều nơi, công ty còn thông qua các trung tâm, trường dạy nghề, giới thiệu việc làm, các đoàn hội địa phương thông báo tuyển, nhưng theo ông Nguyễn Việt Trung, Phó giám đốc công ty: “Số lượng lao động tuyển được chỉ mới đáp ứng khoảng một phần ba nhu cầu và biến động liên tục nên gây khó khăn rất nhiều”.
Bà Lê Thị Bình, Phó giám đốc, nói thêm: “Lúc cao nhất doanh nghiệp chỉ tuyển được 9.000 lao động nhưng hiện chỉ còn gần 8.000 lao động, trong khi dự kiến toàn bộ dự án cần 35.000-40.000 lao động”. Cũng theo bà Bình: “Việc tạm ngừng đầu tư giai đoạn tiếp theo của dự án không phải do không đủ vốn hay trục trặc giữa các liên doanh, mà chính là do nguồn lao động thiếu hụt khiến doanh nghiệp không dám mạo hiểm”.
Trường hợp của Công ty Tỷ Xuân không phải là cá biệt. Tình hình thiếu lao động đã đến mức phải có nhiều cuộc họp giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh để tìm hướng giải quyết nhưng kết quả thu được chẳng bao nhiêu.
Không chỉ có ở ngành dệt may, da giày, việc thiếu lao động cũng khiến làng gốm xuất khẩu lao đao. Bà Hồ Thị Thắm, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề gốm Vĩnh Long, cho biết ngành gốm hiện không thiếu đơn hàng mà chỉ lo thiếu nhân công. Rất nhiều doanh nghiệp đang phải bỏ lò vì kiếm không ra lao động. Cô Hai Yếu, chủ một cơ sở gạch gốm xã Mỹ Phước (Mang Thít), rầu rầu: “Lao động nghề gốm mỹ nghệ không đơn giản, những người thợ xu, in phải rành nghề, nhiều năm kinh nghiệm thì làm mới nhanh và tốt được. Nhưng vì gốm làm theo mùa, mỗi năm chỉ 7-8 tháng, nên trước đây lao động về quê chờ vụ mới, thì nay đã đi là đi luôn để tìm công việc ổn định hơn”. Tình hình này khiến làng gốm vô cùng khó vì thợ tay ngang không thể đảm đương nổi các công đoạn mang tính chuyên môn cao. Nhưng theo cô Hai Yếu: “Ngay cả lao động phổ thông cũng thiếu. Nhiều khi lò gốm tắt lửa cả chục ngày rồi mà cũng chưa thể ra lò được. Vậy là phải nhờ thợ làm thêm ban đêm. Nhưng làm thêm hoài cũng đâu phải là cách”. Làng gốm đang phải đối mặt với một trong những vấn nạn “kỳ lạ” nhất xưa nay: có đơn hàng nhưng không có lao động.
Lý giải điều này, đại diện một doanh nghiệp cho biết: “Trước đây lãi suất vay thấp, hàng hóa dễ bán nên hết mùa các cơ sở thường giữ lại một số “thợ ruột” để làm sẵn hàng chờ bán. Nhưng giờ lãi quá cao, thậm chí vay không được, do đó, chuyện nuôi thợ khi hết mùa là rất khó. Không thể lo nổi tiền lương, trong khi bị chôn vốn vào tiền hàng nên các cơ sở đành để thợ đi luôn”.
Để bù đắp phần lao động thiếu hụt, Công ty Tỷ Xuân đã phải mở thêm một phân xưởng tại tỉnh Đồng Tháp chỉ để làm mũi giày, rồi chuyển về Vĩnh Long hoàn chỉnh, “dù phải gánh các khoản chi phí tăng thêm nhưng đây là giải pháp bất khả kháng”, bà Bình nói.
Không ít doanh nghiệp khác chọn giải pháp “đem công ty về vườn” với hy vọng dễ tìm lao động hơn, như Công ty TNHH một thành viên Thú nhồi bông Tam Bình đã đầu tư nhà xưởng tại xã Long Mỹ (huyện Tam Bình). Ông Nguyễn Minh Tuệ, Giám đốc Công ty cổ phần May Vĩnh Tiến, cho rằng: “Trước đây, khi về Vĩnh Long đầu tư chưa bao giờ tôi nghĩ rằng có ngày lại thiếu lao động”. Còn giờ đây nếu không có giải pháp gì thì có thể phải đưa nhà máy về vùng sâu hơn để gần nguồn lao động”, ông nói.
Nhưng quan ngại của doanh nghiệp hiện nay còn là thiếu lao động có ý thức làm việc. Ông Trương Thanh Phương, Giám đốc Công ty Phát triển kỹ thuật Vĩnh Long, băn khoăn: “Tôi có cảm nhận là người lao động hiện nay chủ yếu làm cho hết giờ chớ không phải vì trách nhiệm. Một số rất thiếu ý thức, kỷ luật lao động. Ví dụ một chiếc máy doanh nghiệp phải mua hàng triệu đô la Mỹ, nhưng có khi công nhân lấy cờ lê, mỏ lết nện rầm rầm bất kể hư hao...”.
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ lò giết mổ gia cầm Năm Thắng, chuyên cung cấp gia cầm trong và ngoài tỉnh, cũng than vắn thở dài vì kiếm không ra lao động vừa khỏe vừa “chịu làm”, thức khuya dậy sớm, dù đã chấp nhận trả tiền công khá cao.
Cung - cầu không gặp nhau, do đâu?
Thị trường lao động Vĩnh Long có không ít những ngành nghề có mức lương rất cao. Tại một công ty viễn thông, lương hợp đồng thử việc đã 6 triệu đồng/tháng, lương bình quân lao động chính thức lên đến gần 20 triệu. Nhưng để hưởng được mức lương này cũng không dễ. Ông Huỳnh Kim Hoàng, Trưởng phòng Giới thiệu việc làm (TTDVVL), bảo rằng: “Có những trường hợp tạm gọi là làm “giám đốc ngày” vì áp lực rất nặng. Sau ba tháng mà hiệu quả không tăng thì chuyển xuống làm nhân viên. Hàng quí tất cả đều phải kiểm tra tay nghề, nếu không đạt thì loại ngay. Làm tính việc chứ không tính thời gian, dù tới 11-12 giờ khuya cũng phải làm”. Bởi vậy, người lao động không chỉ có chuyên môn mà còn phải có sức khỏe mới đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trả lời câu hỏi vì sao doanh nghiệp và lao động hiện nay chưa gặp nhau, ông Hoàng cho biết: “Một số lao động đòi hỏi công việc phải ổn định, thăng tiến, lương cao nhưng kiến thức, kinh nghiệm thì... trống rỗng”. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng đặt tiêu chuẩn quá cao so với công việc, như chỉ bán vé xe mà yêu cầu tốt nghiệp lớp 12, có bằng Anh văn, vi tính trong khi chỉ cần hết lớp 9 là được”. Vì vậy, người lao động nên biết lượng sức mình, từ định hướng nghề nghiệp đến tìm công việc phù hợp năng lực, trình độ. Ngược lại, doanh nghiệp cũng nên yêu cầu trình độ lao động phù hợp với công việc và mức lương mình có thể trả.
Theo ông Lữ Quang Ngời, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Long, thiếu là thiếu ở doanh nghiệp cụ thể nào đó, chớ nguồn lao động trên thị trường vẫn dồi dào. Chung quy vẫn là do doanh nghiệp có bảo đảm đời sống cho người lao động hay không mà thôi.
Nhiều người lao động cho rằng doanh nghiệp đang vắt kiệt sức lao động mà không đầu tư để tái tạo sức lao động. Tăng ca liên miên, bữa cơm đạm bạc và chút xíu lương (khoảng 1,2 triệu đồng/tháng), ngoài ra hầu như không còn phải lo gì cho công nhân. Theo ông Ngời, vấn đề là hiện nay nhiều doanh nghiệp cứ bám vào mức lương tối thiểu để trả cho người lao động. Mà với mức lương đó, nếu so với lao động phổ thông bán vé số hoặc cắt lúa mướn cũng thu nhập không kém. Vì vậy, đã đến lúc doanh nghiệp phải thấy rằng lao động không thể “neo” ở mức giá thấp mãi.