Điều này cũng góp phần nhìn lại thực tế một nghịch lý đang tồn tại trên thị trường lao động hiện nay. Đó là thiếu sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN).
Trường không “hấp dẫn” doanh nghiệp
Theo thống kê, khoảng 50% sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm theo đúng chuyên môn. Điều đó cho thấy, khoảng cách giữa kiến thức học trong trường với thực tế xã hội rất lớn. Sự liên kết giữa nhà trường và DN không chỉ là nhịp cầu giúp nhu cầu của nhà tuyển dụng đến gần hơn quá trình đào tạo, mà còn là yếu tố then chốt để các trường quyết định thương hiệu. Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã tiến hành nhiều đợt ký kết, thảo thuận về sự hợp tác của các trường và DN trong đào tạo theo nhu cầu, nhưng thực tế theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), có không tới 3% các DN tuyên bố hợp tác với các trường ĐH hoặc các viện nghiên cứu.
Theo ông Võ Sỹ Mạnh, Trung tâm đảm bảo chất lượng (ĐH Ngoại thương Hà Nội), hiện nay sự hợp tác giữa trường ĐH và DN vẫn còn lỏng lẻo, chắp vá, chưa tạo được những cam kết có tính chất lâu dài, bền vững. Điều này đang trở thành lực cản các trường trong lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế này xuất phát từ nhận thức chưa toàn diện về nhu cầu và lĩnh vực có thể hợp tác giữa trường ĐH và DN, hay nói cách khác, trường ĐH và DN "chưa ngồi lại với nhau".
Chính điều này đã dẫn đến tình trạng các trường ĐH và CĐ không quan tâm tới số sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Không thể đánh giá một trường ĐH là vững mạnh, có triển vọng khi số lượng sinh viên tốt nghiệp của nhà trường bị thất nghiệp ngày càng nhiều. Thực tế tại các hội chợ việc làm cho thấy, dù công tác tuyển chọn lao động được tiến hành trong điều kiện thị trường dư thừa cử nhân khát khao tìm việc, song hầu hết DN không dễ tìm được lao động phù hợp. Với đa số lao động được tuyển, DN vẫn phải đầu tư thêm thời gian, kinh phí để đào tạo lại cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn. Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ cũng không nhận thấy hoạt động chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của mình, vì thế không kéo được DN đến gần.
“Ngồi lại với nhau” không khó
Con đường duy nhất để giải quyết bài toán thiếu thừa nguồn nhân lực là DN và trường ĐH cần phải "bắt tay" chặt chẽ. Để tìm lời giải cho vấn đề này không khó. PGS.TS Hà Văn Hội, ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra một số hình thức hợp tác đào tạo cụ thể. Trong đó, trường ĐH cần chủ động mời DN đến nói chuyện hoặc tham gia giảng dạy xen kẽ một số buổi. Thông qua đó, các doanh nhân sẽ truyền đạt những kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên. Việc tổ chức cho sinh viên thực tập tại DN cũng là cách liên kết hữu ích. Tuy nhiên, gần đây, trong khi số lượng sinh viên có nhu cầu thực tập, thực tế ngày một lớn, nhiều DN lại không muốn tiếp nhận do có thể ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của họ. Trong trường hợp này, bên cạnh việc xác định trách nhiệm của các bên trong mối liên kết đào tạo - tuyển dụng, nhà trường cần chịu trách nhiệm trước cơ sở thực tập để DN yên tâm nhận sinh viên. Hơn nữa, việc đào tạo hoàn toàn có thể diễn ra tại DN, ngay trong quá trình thực hiện các công việc cụ thể.
TS Nguyễn Xuân Minh, trường ĐH Ngoại thương cho rằng, động cơ thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và trường ĐH tương đối phong phú. Ngay tại trường ĐH Ngoại thương, các hoạt động chủ yếu diễn ra theo hình thức mời báo cáo viên, mời chuyên gia cùng giảng dạy, cử giảng viên đi thực tế, nhận tư vấn về nghiệp vụ, pháp lý; triển khai dự án theo đặt hàng của DN, tài trợ học bổng... Dù kết quả hợp tác chưa được như mong đợi nhưng cũng mở ra hy vọng mới cho liên kết đào tạo. Hơn thế nữa, các trường cần chú ý trang bị cho sinh viên kỹ năng tự quản, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp. Bởi trên thị trường lao động ngày nay, điều được thừa nhận là sinh viên tốt nghiệp cần cả kiến thức giáo dục đầy thách thức và kỹ năng cao để có thể tìm được việc làm.