Dù lực lượng chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra hướng xử lý cụ thể. Vậy vướng mắc do đâu? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Vương Trí Dũng (ảnh bên), Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội về vấn đề này.
Kết luận sơ bộ của lực lượng chức năng về những sai phạm của Công ty Mạnh Cầm trong quá trình nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng "sữa" dê Danlait là như thế nào, thưa ông?
- Thực tế kiểm tra tại Công ty Mạnh Cầm cho thấy, toàn bộ số sữa dê nhãn hiệu Danlait số 1,2,3 được công ty nhập khẩu nguyên lon, trực tiếp từ Cộng hòa Pháp. Ngày 17/1/2012, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Lê Văn Giang đã cấp 3 Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm số 340, 341, 342 cho sản phẩm: Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait, nhưng qua kiểm tra sản phẩm ghi tên là sữa dê Danlait 1,2,3.
Đối chiếu các quy định hiện hành cho thấy, Công ty Mạnh Cầm có các hành vi vi phạm gồm: Chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; Không ghi đầy đủ hướng dẫn ghi nhãn bắt buộc theo các quy định về ghi nhãn hàng hóa theo NĐ 21/2006/NĐ-CP. Cụ thể: Tên hàng hóa theo công bố chất lượng được Cục ATTP xác nhận là thực phẩm bổ sung, hàng trên nhãn phụ ghi là sữa dê Danlait.
Kết quả kiểm nghiệm tại Viện kiểm nghiệm ATTP quốc gia, Bộ Y tế cho thấy, một số chỉ tiêu ghi trên nhãn gốc không phù hợp với tiêu chí trong công bố chất lượng đã được Cục ATTP chứng nhận. Chẳng hạn, hàm lượng kali trong sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi theo công bố là 500 - 620 mg/100g, nhưng kết quả kiểm tra hàm lượng này là 890/100g, cao hơn hàm lượng đã công bố.
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra sữa Danlait của Công ty Mạnh Cầm.Ảnh: Minh Ngọc
Mặc dù sự việc đã xảy ra khá lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý, vậy vướng mắc do đâu? - Việc xử lý sai phạm phụ thuộc khá nhiều vào cách áp mã số HS (phân loại hàng hóa xuất, nhập khẩu) hàng hóa của cơ quan quản lý, nhưng qua kiểm tra mỗi đơn vị lại ghi khác nhau. Mã HS theo đơn đăng ký nhập khẩu tự động của Bộ Công Thương là HS1901102090; Mã HS doanh nghiệp ghi trên tờ khai Hải quan điện tử là HS 19011099; Mã HS theo thông báo tính thuế nhập khẩu của Hải quan lại là HS 1901. Trong khi đó, cơ quan quan trọng nhất là Cục ATTP lại không ghi mã HS mà chỉ ghi thực phẩm bổ sung, mặc dù chức năng của sản phẩm này phải ghi rõ là sữa hay sản phẩm từ sữa hoặc thực phẩm chức năng. Việc không ghi rõ mã số nên doanh nghiệp đã được hưởng thuế nhập khẩu là 10% cho sản phẩm sữa thay mức thuế 15% nếu là thực phẩm chức năng. Không chỉ mỗi cơ quan chức năng áp mã HS mà tên gọi cũng trong tình trạng tương tự. Trên nhãn sản phẩm đang lưu hành là Sữa trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê Danlait; Giấy chứng nhận lưu hành tự do của phòng Thương mại & Công nghiệp Renes Vụ quốc tế và Giấy chứng nhận phân tích thành phần do Công ty CP FIT xác nhận là: Sữa dê dạng bột dành trong trẻ em và không có nhãn hiệu Danlait. Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm do Cục ATTP cấp là Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait dành cho trẻ em. Thông báo của Bộ Nông nghiệp, nông lương và lâm sản Cộng hòa Pháp lại gọi tên sản phẩm là: Sữa bột trẻ em Danlait và khẳng định đây là sản phẩm thông thường, không phải là sản phẩm chức năng… Có thể nói việc ghi tên sản phẩm cũng như áp mã HS không thống nhất của các cơ quan chức năng trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng. Điều này còn gây khó cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, bởi trong danh mục hàng hóa tính thuế nhập khẩu không có sản phẩm vừa là thực phẩm chức năng, vừa là sữa. Vậy để giải quyết rốt ráo sự việc này cũng như rút kinh nghiệm cho những vụ việc tương tự, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã có kiến nghị như thế nào? - Thực tế cho thấy, để xử lý vụ vi phạm của Công ty Mạnh Cầm cũng như những trường hợp tương tự, điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục ATTP phải xác định đúng mã HS của hàng hóa, từ đó xác định tên hàng hóa. Đây là cơ sở rất quan trọng để xử lý các vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dán lại nhãn phụ hay buộc doanh nghiệp phải tái xuất, thậm chí tịch thu tiêu hủy. Để làm rõ vấn đề này, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã có công văn yêu cầu Cục ATTP trả lời rõ mã số HS khi cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho Công ty Mạnh Cầm; Xác định lại mã số HS thực tế đối với số hàng hóa mà quản lý thị trường đang tạm giữ. Xin cảm ơn ông!