Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu mô hình phát triển kinh tế tại các xã miền núi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã đạt được kết quả trong phát triển KT-XH những năm qua, song nút thắt lớn nhất của các xã miền núi trên địa bàn Ba Vì là các mô hình phát triển kinh tế còn thiếu và chưa thực sự bền vững.

Chưa theo kịp mặt bằng

Ba Vì là huyện chiếm tới một nửa số xã thuộc khu vực đồng bào dân tộc thiểu số của toàn TP Hà Nội với 7 xã miền núi, dân số trên 69.000 người. Trong những năm qua, các xã miền núi này đã nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn của TP và huyện cả về cơ sở hạ tầng lẫn phát triển sản xuất. Thực tế, một số mô hình sản xuất đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho bà con địa phương như trồng chè ở các xã Ba Trại, Yên Bài hay nuôi bò sữa tại Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài. Mới đây, mô hình nuôi cá tầm thương phẩm được thí điểm tại xã Khánh Thượng đã cho hiệu quả tốt… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi đã giảm đáng kể, hiện còn 7,48%. Tuy vậy, so với mặt bằng chung của TP, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã miền núi của huyện Ba Vì còn khá cao. Các chương trình xóa đói giảm nghèo trên thực tế vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Có thể nói, nguyên nhân lớn nhất chính là việc chỉ đạo phát triển sản xuất, đặc biệt là chăn nuôi của các địa phương chưa thực sự sát sao. Như nhận định của ông Bạch Công Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, mô hình phát triển nông nghiệp còn chưa phong phú, quy mô nhỏ và sản xuất còn mang tính phong trào. Trong khi đó, chất lượng nguồn lực tham gia sản xuất cũng khá hạn chế.

 
Sản xuất chè tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì.
Sản xuất chè tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì.
Lấy ví dụ thực tế địa phương mình, ông Hoàng Văn Chìu – Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng, xã miền núi xa nhất của huyện Ba Vì với 52% nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số chia sẻ, so với trước đây, kinh tế của xã đã phát triển hơn rất nhiều. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của huyện thì vẫn ở tốp dưới bởi người dân chủ yếu thu nhập từ vườn rừng, trồng sắn, dong riềng, hiệu quả không cao. Năm 2014, xã Khánh Thượng đã giảm được 50 hộ nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 7,74%.

Phát triển sản xuất,  giảm nghèo bền vững

Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện các chỉ tiêu của Kế hoạch 166/KH-UBND của UBND TP về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô giai đoạn 2011 – 2015. Thời gian thực hiện không còn nhiều và lãnh đạo một số địa phương bày tỏ lo ngại khó hoàn thành mục tiêu đề ra. Để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc, giải pháp quan trọng là gỡ nút thắt về phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Son – Chủ tịch UBND xã Ba Trại, huyện Ba Vì kiến nghị, TP cần có chỉ đạo cụ thể về các chương trình, dự án, mô hình phát triển kinh tế tại khu vực miền núi cho các hộ dân. Trong đó có giải pháp hỗ trợ về giống, vốn và tập huấn khoa học kỹ thuật nhằm giúp cho người nông dân chủ động vươn lên sản xuất, nâng cao thu nhập.
Dự kiến, tháng 3/2015, Đề án phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc Dao giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng những năm tiếp theo sẽ được TP phê duyệt.

Đứng trước khó khăn đang đặt ra, UBND huyện Ba Vì cũng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các mặt hàng nông sản an toàn. Đồng thời, khuyến khích mô hình kinh tế tổng hợp theo hướng phát triển dịch vụ, du lịch cộng đồng trên địa bàn, phấn đấu trong năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 7%. Riêng với xã Ba Vì - địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, hướng đi chính được xác định là cải tạo vườn tạp, phát triển trồng cây thuốc Nam gắn với chế biến, tiêu thụ của làng nghề. Ngoài ra, huyện sẽ triển khai đào tạo một số nghề phù hợp như đan lát, làm chổi chít, may mặc nhằm tận dụng lực lượng lao động sẵn có tại địa phương.

Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, để hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch 166, bên cạnh nguồn hỗ trợ của TP và huyện, bản thân bà con nông dân phải tự phấn đấu vươn lên chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Có như vậy mới mong giảm nghèo bền vững.