Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) cho biết, trước đây, trong đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu đến năm 2022 hoàn thành đầu tư xây dựng 1.372km để nối thông toàn tuyến.
Khi đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ dành một gói ngân sách riêng khoảng 70.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các dự án trên tuyến cao tốc Bắc-Nam thực hiện bằng hình thức PPP (công-tư). Tuy nhiên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ chỉ được phân bổ khoảng 70.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong 5 năm (2016-2020) cho tất cả dự án, bao gồm một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc-Nam.
“Nếu dành toàn bộ nguồn tiền này để đầu tư cao tốc Bắc-Nam thì tất cả dự án khác sẽ phải dừng lại do không có tiền triển khai. Chính vì nguồn vốn bị thiếu nên trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, TEDI đã tính toán và đưa ra mục tiêu hoàn thành 573km vào năm 2022 với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng,” ông Sơn cho biết.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khai thác, quản lý. |
Theo đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án (từ năm 2017 đến năm 2022) khoảng 88.530 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng, chiếm 46,8% và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư (vốn BOT) khoảng 47.116 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này tận dụng các đoạn cao tốc đang khai thác gồm Pháp Vân-Cao Bồ, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và các đoạn cao tốc đang triển khai thi công gồm La Sơn-Túy Loan, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và đường Hồ Chí Minh (đoạn Bùng-Cam Lộ, Quảng Trị), đồng thời mở rộng đoạn Cao Bồ-Mai Sơn quy mô 4 làn xe cao tốc và xây dựng mới đoạn Mai Sơn-Vinh, Vĩnh Hảo-Phan Thiết với quy mô 4 làn xe cao tốc và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây.
“Đến năm 2022, đường cao tốc Bắc-Nam sẽ khai thác đoạn Pháp Vân-Vinh, Cam Lộ-Quảng Ngãi và Vĩnh Hảo-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 737km, trong đó chiều dài đầu tư xây dựng giai đoạn 1 khoảng 573km”, Tổng giám đốc TEDI thông tin.
Giai đoạn 2 (từ năm 2023 đến năm 2025), tổng nhu cầu vốn khoảng 114.612 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 34.340 tỷ đồng (chiếm 30%) và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư khoảng 80.272 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nằm trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được sử dụng để hỗ trợ giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến cao tốc theo quy mô quy hoạch, phần còn lại để hỗ trợ công tác khảo sát, lập dự án đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây lắp nhằm đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính các dự án BOT.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến cao tốc Bắc-Nam bao gồm đoạn Vinh-Cam Lộ và đoạn Quảng Ngãi-Vĩnh Hảo với tổng chiều dài 799km với quy mô bốn làn xe.
Giai đoạn 3, sau năm 2025, đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của VOV.VN, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, trục Bắc - Nam của đất nước kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, là nơi tập trung 45% dân số, 65% các cảng biển loại I-II và 67% các khu kinh tế của cả nước, đóng góp 57% tổng sản phẩm trong nước. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trục Bắc - Nam, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Để từng bước đầu tư tuyến đường này, Bộ GTVT sẽ huy động nguồn lực từ các Nhà đầu tư trong và ngoài nước theo hình thức PPP và tiếp cận các nguồn vốn vay ODA để đầu tư. Để thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư.
Để đảm bảo khả năng huy động nguồn vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu và đề xuất phân kỳ đầu tư các đoạn tuyến theo nhu cầu vận tải với quy mô 4 làn xe hạn chế; đồng thời, để huy động được các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, có năng lực đầu tư, quản lý khai thác các tuyến đường bộ cao tốc, Bộ GTVT sẽ xây dựng một số cơ chế đặc thù về tài chính, đấu thầu, tổ chức thực hiện... các tuyến cao tốc.
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ hoàn trả dự phòng ngân sách từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo phương án này có thể khởi công dự án vào khoảng cuối năm 2017, đầu năm 2018.