Chị Hoa, thương lái chuyên thu mua lợn tại Hoài Đức cho biết: Nếu như mấy tuần trước, chị phải lùng sục ở các xã khác thậm chí sang huyện khác mới có đủ hàng để bán, nhưng khoảng 2 tuần nay lượng lợn hơi ở trong dân đã nhiều trở lại. “Hiện lợn đã không còn khan hiếm như trước và giá cả liên tục giảm. Nếu lợn ngon bắt tại chuồng giảm xuống chỉ còn 50.000 – 51.000 đồng/kg, còn lợn trung bình chỉ được từ 48.000 – 49.000 đồng/kg, so với đợt cao điểm, mỗi kilogam lợn đã giảm mất 4.000 - 5.000 đồng” – chị Hoa chia sẻ.
Theo phân tích của một số thương lái, khi giá thịt lợn tăng cao thì nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm đi đáng kể, cộng với việc nhiều người chăn nuôi có tâm lý giữ lợn lại để chờ giá cao hơn nữa mới bán, dẫn tới nguồn cung trên thị trường bị giảm nhiều và gây ra tình trạng khan hiếm lợn hơi ở một vài nơi. Tuy nhiên, khi tăng quá nhanh đến một một mức nào đó thì giá lợn không thể tăng thêm được nữa, lúc này nhiều hộ mới ồ ạt bán ra, nguồn cung lớn hơn đã đẩy giá lợn hơi giảm xuống. Đó là nguyên nhân quan trọng khiến giá lợn hơi chỉ sau một thời gian tăng nóng đã quay đầu giảm giá trở lại.Hộ chị Ngư ở Mỹ Đức vừa xuất chuồng hơn 30 con lợn thịt cho biết: “Tuần trước, thương lái vào trả giá 52.000 đồng/kg nhưng gia đình tôi không bán chờ giá lên, không ngờ giá lợn lại quay đầu giảm, giờ bán được có 50.000 đồng/kg, chỉ hơn một tuần mà tôi mất mấy triệu bạc” – chị Ngư tiếc rẻ nói.Trong khi giá lợn hơi liên tục giảm mạnh thì giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, giá thịt ba chỉ, nạc thăn, sườn có giá 120.000 đồng/kg; thịt mông, nạc vai; chân giò có giá 90.000 – 100.000 đồng/kg… Theo chị Trang, một tiểu thương bán thịt tại chợ Hà Đông, sở dĩ thịt lợn vẫn giữ ở giá cao là bởi hiện nay cả người bán và người mua đều phải trải qua nhiều đầu mối trung gian.