Chê “thịt đông lạnh”
Dạo qua các chợ trong nội thành cũng như ngoại thành, hình ảnh phổ biến của các quầy bán thịt là thịt lợn, thịt bò được pha thành từng tảng bày bán trên phản gỗ. Có quầy còn bày chung cả thịt sống, nội tạng lẫn giò chả gây nguy cơ mất ATTP. Tuy nhiên, những quầy thịt này lúc nào cũng đông khách mua hàng. Một số tiểu thương cho biết, vào mùa Hè, nhất là đợt cao điểm nắng nóng, phải cho bớt thịt lợn vào tủ cấp đông, lấy ra bán dần vì thịt nhanh ôi. Thế nhưng, khi sờ tay vào miếng thịt mát lạnh, nhiều bà nội trợ lại chê “thịt đông lạnh” nên không mua. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chuyên môn, ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho hay, thói quen tiêu dùng này thực sự không khoa học. Bởi thịt lợn sau giết mổ để ngoài môi trường sẽ bị vi sinh vật xâm nhập và phân hủy theo thời gian. “Rất buồn là người Việt chúng ta đang nhầm lẫn về thịt tươi. Tôi khẳng định rằng, thịt tươi là thịt cấp đông và thịt mát. Còn thịt ôi là thịt nóng được giết mổ và bán không qua quy trình nào cả, sản phẩm lộ thiên không bao gói, không thiết bị bảo quản” – ông Tường nhấn mạnh.
Cũng do thói quen chuộng thịt tươi “nóng hổi” của NTD nên tình trạng các xe máy chở lợn vắt vẻo chạy từ lò mổ vào nội thành bán trở nên khá phổ biến ở Hà Nội. Bên cạnh đó, thực trạng này cũng khiến cho hoạt động của các lò giết mổ công nghiệp rơi vào tình cảnh èo uột. Ông Đào Quang Vinh – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh sở hữu cơ sở giết mổ công nghiệp công suất 1.000 con/ngày ngao ngán cho biết, nhà máy hiện chỉ giết mổ được khoảng 80 – 100 con/ngày. Đáng nói là hệ thống kho làm mát công suất 50 tấn/lần, hầm cấp đông công suất 3 tấn/lần, kho trữ đông 300 tấn của Công ty được nhập khẩu theo công nghệ của Đức nhưng hầu như không được sử dụng đến.
Thay đổi nhận thức
Hiện nay, ở hầu hết các nước phát triển, thịt gia súc, gia cầm sau khi giết mổ đều phải qua khâu xử lý làm mát rồi mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Tại Việt Nam , cơ bản thịt mát hay cấp đông được sản xuất chưa đúng quy trình. Các siêu thị vẫn còn nhập thịt nóng ở lò mổ thủ công, một số siêu thị lớn thì yêu cầu chở đến bằng xe lạnh rồi tự pha lóc, đóng gói để vào tủ mát, để lâu thành thịt cấp đông. Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, quy trình chuẩn là sau khi giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, thịt sẽ được chuyển vào khu làm mát ở nhiệt độ từ 0 – 4 độ C trong thời gian 8 – 12 giờ đồng hồ. Sau đó mới được pha lóc, đóng khay thịt mát hoặc đóng gói thành phẩm đưa vào cấp đông. Do vậy, theo ông Đăng, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi tập quán, thói quen của NTD, từ sử dụng thịt nóng sang sử dụng thịt mát, cấp đông.
Tại Hà Nội, một trong những đơn vị đi đầu trong xu hướng này là Công ty CP Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn). Để thực hiện tiêu chí từ trang trại đến bàn ăn, Công ty đã đầu tư dây chuyền giết mổ treo tiêu chuẩn với quy mô nhỏ 20 con/ngày. Lợn được mổ treo, vệ sinh sạch sẽ rồi đưa vào nhà mát để giảm độ PH trong thịt từ 7,5 xuống 5,5 trước khi sơ chế. Sau đó, thịt được đưa vào đóng gói, hút chân không và cấp đông sâu trước khi đưa ra tiêu thụ nhằm đảm bảo chất lượng dinh dưỡng tốt nhất và ATTP đối với NTD.
Theo các chuyên gia, để có thể thay đổi thói quen, tập quán tiêu dùng thịt của NTD hiện nay, cùng với biện pháp tuyên truyền, cần phải thu hút được các DN đầu mối xây dựng chuỗi liên kết hoàn chỉnh từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến. Đồng thời, thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích ở cả thành thị và nông thôn. Cùng với đó, phát triển các nhãn hiệu chứng nhận để NTD không phải mua sản phẩm bằng lòng tin, mà có cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn đâu là sản phẩm an toàn.